Thông báo
Đã có chế độ ăn chi tiết giảm nguy cơ bệnh tim và đột quỵ: Giới hạn về trứng và sữa được phá bỏ
11:41 | 03/09/2020 - Tim mạch

Mới đây, Tổ chức Tim mạch Úc đã cập nhật các hướng dẫn về thực đơn chi tiết để giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Trong đó, việc ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật được khuyến khích.

Theo đó, lần đầu tiên cơ quan y tế đưa ra một giới hạn cụ thể về lượng thịt đỏ mà mọi người nên tiêu thụ: Mỗi tuần không quá ba bữa (tổng cộng 350 gram) thịt bò, thịt lợn, thịt cừu hoặc thịt bê chưa qua chế biến.

Cố vấn y tế Garry Jennings (Úc) cho biết, điều quan trọng là hạn chế ăn thịt chế biến và đồ ăn sẵn: "Mọi người nên tiêu thụ nhiều protein có lợi cho tim từ các nguồn thực vật như đậu, đậu lăng và đậu phụ, cũng như cá và hải sản; giảm protein tiêu thụ từ trứng và thịt gia cầm nạc".Tuy nhiên, giới hạn đối với trứng đã được bỏ: Trứng chứa protein chất lượng tốt và là nguồn chất béo lành mạnh. Tuy nhiên, nếu bạn bị bệnh tim mạch hoặc tiểu đường, không nên ăn quá 7 lần/tuần.

Tương tự như vậy, sữa đầy đủ chất béo (nhưng không có đường) cũng không bị hạn chế tiêu thụ - trừ khi bạn bị cholesterol cao hoặc bệnh tim.

Mỗi tuần bạn không nên tiêu thụ quá ba bữa (tổng cộng 350 gram) thịt bò, thịt lợn, thịt cừu hoặc thịt bê chưa qua chế biến.

Giáo sư Jennings cho biết: "Không có đủ bằng chứng để chúng ta phải hạn chế sữa, sữa chua và phô mai đầy đủ chất béo cho người khỏe mạnh, vì chúng cũng cung cấp các chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe như canxi".

Nhưng điều đó không áp dụng cho tất cả các sản phẩm sữa. "Bơ, kem các món tráng miệng từ sữa không được khuyến khích vì chúng chứa hàm lượng chất béo và đường cao hơn, ít protein hơn".

Ưu tiên thực phẩm có nguồn gốc thực vật

Hiệp hội Tim mạch khuyến cáo mọi người nên ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật bao gồm các loại rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt.

Các loại chất béo tốt thường có trong các loại hạt, quả bơ và dầu ô liu. Nên dùng các loại thảo mộc và gia vị để nấu thức ăn thay cho muối.

Một phát ngôn viên của Hiệp hội Tim mạch cho biết: "Phong cách ăn uống này rất ít chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, muối và đường bổ sung; giàu chất béo không bão hòa, chất xơ và chất chống oxy hóa".

Đã có hướng dẫn chế độ ăn chi tiết để giảm nguy cơ bệnh tim và đột quỵ

Mọi người nên ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật bao gồm các loại rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt.

Cơ quan y tế đã phát triển các hướng dẫn sửa đổi sau khi tìm kiếm các đặc điểm chung trong chế độ ăn kiêng Địa Trung Hải và DASH (Phương pháp ăn kiêng để ngăn chặn tăng huyết áp).

Giám đốc phòng ngừa Hiệp hội Tim mạch - bà Julie Anne Mitchell cho biết về lời khuyên mới phản ánh bằng chứng khoa học mới nhất.

"Lời khuyên của Tổ chức Tim mạch về chế độ ăn uống lành mạnh cho tim đã thay đổi, cần hạ thấp các chất dinh dưỡng riêng lẻ và xem xét kỹ hơn về toàn bộ thực phẩm và mô hình ăn uống. Điều quan trọng bây giờ là sự kết hợp của các loại thực phẩm lành mạnh, đi kèm với việc tiêu thụ chúng thường xuyên".

Cân bằng 5 nhóm thực phẩm

Hướng dẫn về chế độ ăn uống của Úc khuyên chúng ta nên ăn nhiều loại từ năm nhóm thực phẩm:

Rau các loại và có màu sắc khác nhau (bao gồm cả các loại đậu).

Trái cây - trái cây họ cam quýt, các loại quả mọng và những loại khác.

Các loại thực phẩm ngũ cốc, chủ yếu là các loại nguyên hạt/các loại ngũ cốc có nhiều chất xơ như bánh mì, ngũ cốc, gạo, mì ống, mì, cháo ngô, couscous (bột mì nấu thịt), yến mạch và lúa mạch.

Thịt nạc và thịt gia cầm, cá, trứng, đậu phụ, các loại hạt và và các loại đậu.

Sữa, sữa chua, phô mai hoặc các sản phẩm thay thế.

Hướng dẫn nêu rõ: "Bằng cách cân bằng số lượng được đề nghị từ năm nhóm thực phẩm, bạn có đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe".

Lượng thức ăn bạn cần từ mỗi nhóm thực phẩm phụ thuộc vào độ tuổi, giới tính, chiều cao, cân nặng và mức độ hoạt động thể chất. Nó cũng thay đổi nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú.

Có thể tính toán nhu cầu năng lượng hàng ngày và nhu cầu dinh dưỡng của bạn. Ví dụ như, một người lớn nên ăn:

Ít nhất 5 khẩu phần rau/ngày. Một khẩu phần là một nửa chén rau nấu chín hoặc một chén salad.

Ít nhất 2 khẩu phần trái cây/ngày. Một khẩu phần là một miếng trái cây vừa (ví dụ: táo hoặc chuối) hoặc hai miếng nhỏ (ví dụ: quả mơ hoặc quả kiwi).

Hai khẩu phần sữa, sữa chua, phô mai (hoặc thay thế) mỗi ngày. Một khẩu phần là một cốc sữa hoặc hai lát phô mai.

Năm đến sáu khẩu phần ngũ cốc - chủ yếu là ngũ cốc nguyên hạt. Một khẩu phần là một lát bánh mì nguyên hạt hoặc nửa chén cơm chín.

Hai đến ba khẩu phần thịt nạc, cá, trứng, đậu phụ hoặc đậu/các loại đậu. Một khẩu phần là một hộp cá ngừ hoặc hai quả trứng.

Hiệp hội Tim mạch khẳng định, một bữa ăn lành mạnh sẽ được tạo thành từ 50% rau và trái cây và khoảng 25% ngũ cốc nguyên hạt, phần còn lại đến từ các protein lành mạnh như cá, hải sản, các loại đậu, hạt, thực phẩm từ sữa và dầu lành mạnh.

Hạn chế chất béo bão hòa, muối và đường bổ sung

Ngoài việc tập trung vào thực phẩm lành mạnh, điều quan trọng không kém chính là hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, đường bổ sung và muối.


Nên hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, đường bổ sung và muối.

Những thực phẩm đó bao gồm bánh quy, bánh ngọt, kẹo, bánh nướng, thịt chế biến, thực phẩm chiên, khoai tây chiên và đồ ăn nhẹ mặn khác.

Ngoài ra, bạn nên uống nhiều nước và hạn chế đồ uống có thêm đường như nước ngọt, nước uống có ga, nước tăng lực và nước vitamin. Nếu muốn uống rượu, bạn không nên uống quá hai ly tiêu chuẩn mỗi ngày.