Thông báo
Hoạt động thể lực với bệnh tim mạch
15:17 | 04/04/2020 - Tim mạch

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh lý phổ biến hàng đầu và có tỷ lệ tử vong cao trong các bệnh lý nội khoa.

Phòng và điều trị bệnh tim mạch cần một phác đồ tổng quát: sử dụng thuốc theo chỉ định của thầy thuốc, thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý kết hợp với hoạt động thể lực thích hợp.

Hoạt động thể lực có tác động tích cực đến cấu trúc và chức năng của hệ thống tim mạch. Chống chỉ định hoạt động thể lực và tập luyện ở những bệnh nhân đau thắt ngực không ổn định, suy nhược nặng. Rối loạn nhịp nặng như nhịp nhanh thất, block nhĩ - thất hoàn toàn, tăng huyết áp không kiểm soát, nhiễm khuẩn tiến triển...

Suy tim, lượng máu đi nuôi cơ thể giảm.

Hoạt động thể lực với bệnh suy tim

Suy tim là hậu quả của nhiều nguyên nhân. Những người bị suy tim thường bị suy giảm khả năng hoạt động thể lực do không đảm bảo cung cấp máu và oxy cho các cơ quan vận động.

Những nghiên cứu trong thời gian qua đã chỉ ra rằng tập luyện có tác dụng cải thiện rõ rệt các chức năng của tim. Do đó, ngày nay, tập luyện được khuyến cáo cho bệnh nhân suy tim như một phần của việc điều trị.

Cân nhắc lựa chọn bài tập phù hợp với mức độ suy của tim và khả năng đáp ứng vận động của cơ thể. Nhìn chung, trong quá trình tập, gắng sức vừa phải được coi là mức độ tập luyện phù hợp.

Các bài tập cơ hô hấp, tập cơ ngoại vi dưới hình thức đi bộ, xe đạp, các bài tập thể dục, tập với băng kéo hoặc tạ, tập dưới nước (thủy trị liệu) với tần suất và thời gian thích hợp tùy từng trường hợp cụ thể.

Các bài tập tăng cường sức mạnh trước đây bị coi là chống chỉ định cho những bệnh nhân bị bệnh mạch vành và suy tim. Tuy vậy, những nghiên cứu gần đây cho thấy hình thức tập luyện này hiệu quả và an toàn. Tải trọng cần thực hiện khi tập không vượt quá 60% tải trọng tối đa có thể nâng được bằng duy nhất một động tác. Bệnh nhân suy tim cơ lực thường yếu, vì vậy, tải trọng tập luyện nên giảm và tăng nhiều số lần lặp lại mỗi bài tập. Nên tập các bài tập sức mạnh sau các bài tập tăng cường sức khỏe chung.

Chống chỉ định tập luyện thể lực với các tình trạng suy tim mất bù, phình giãn cơ tim, bệnh van tim nặng (đặc biệt là hẹp động mạch chủ), viêm cơ tim, tụt huyết áp, loạn nhịp nặng hay thiếu máu cơ tim cục bộ.

Các bài tập phù hợp với mức độ suy của tim tốt cho tuần hoàn máu.

Hoạt động thể lực với rối loạn nhịp tim

Rối loạn nhịp tim là thuật ngữ chung mô tả tình trạng sai lệch trong phát sinh xung điện và/hoặc dẫn truyền xung điện trong tim. Rối loạn nhịp tim có nhiều mức độ khác nhau, thường gặp là nhịp ngoại tâm thu, nhịp nhanh, nhịp chậm, rung thất, rung nhĩ, cuồng nhĩ... Rối loạn nhịp tim có thể nguyên phát hoặc thứ phát, tuy nhiên thường gặp ở những bệnh nhân có bệnh lý tiềm ẩn như tăng huyết áp, bệnh mạch vành và bệnh suy tim. Do đó, cần thận trọng khi “kê đơn” hoạt động thể lực cho những bệnh nhân này.

Luyện tập thể lực có tác động đến hệ phó giao cảm của thần kinh tự động, từ đó có thể ảnh hưởng tới các rối loạn nhịp theo nhiều hướng khác nhau.

Các nguyên lý hoạt động thể lực áp dụng cho các bệnh nhân tim mạch khác đều có thể ứng dụng cho bệnh nhân có rối loạn nhịp. Tuy nhiên, luyện tập sức bền đặc biệt quan trọng đối với nhóm bệnh lý này bởi sức khỏe toàn thân được nâng cao sẽ giúp cải thiện khả năng dung nạp với những rối loạn chức năng tim mạch.

Lời khuyên của thầy thuốc

Hoạt động thể lực nói chung và hoạt động thể lực đối với bệnh nhân tim mạch nói riêng đều nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe toàn thân.

Tập luyện với bệnh lý tim mạch có tác dụng tăng cường chức năng hệ cơ quan tim mạch. Nên khởi động tốt trước mỗi buổi tập và thư giãn đủ thời gian sau khi tập. Phương pháp tập luyện hiệu quả và ít gây chấn thương là tập ngắt quãng, luân phiên giữa các bài tập khó và dễ, thời gian của mỗi bài tập không nên quá dài, cường độ phụ thuộc vào sức khỏe, tình trạng bệnh lý với các mức độ khác nhau.

Lựa chọn cường độ vận động, khả năng hoạt động thể lực cũng như đánh giá hiệu quả trước khi thực hiện chương trình tập luyện. Người tập cần tự theo dõi, đánh giá và nhận biết kịp thời những biểu hiện bất thường để điều chỉnh ngăn ngừa những nguy cơ bệnh lý do tập luyện gây ra.

Cần lưu ý sự tương tác giữa vận động trị liệu với liệu pháp điều trị bằng thuốc với bệnh tim mạch. Một số có thể làm giảm khả năng hoạt động thể lực. Ngoài ra, đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp với tình trạng bệnh và nhu cầu năng lượng của cơ thể cũng là một trong những yếu tố quan trọng để chiến thắng bệnh tật.