Thông báo
Kiểm soát tăng huyết áp để giảm nhiều bệnh
16:49 | 29/04/2022 - Tim mạch

Tăng huyết áp (THA) là bệnh mạn tính phổ biến nhất trên toàn cầu, ảnh hưởng đến 1 tỷ người và là 1 trong 8 bệnh gây tử vong lớn nhất hàng năm.

THA là yếu tố nguy cơ lớn của suy tim, đột quỵ, bệnh mạch vành, rối loạn chức năng thận và mù mắt…

Tăng huyết áp là bệnh lý tim mạch nguy hiểm được xem như “kẻ giết người thầm lặng” vì toàn bộ sự tiến triển của bệnh thường diễn ra âm thầm không có triệu chứng cảnh báo trước. Huyết áp (HA) tăng cao sẽ làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ, có khả năng dẫn đến suy thận nếu không được kiểm soát tốt.

Bệnh lý này được xếp cùng nhóm với các rối loạn, bệnh lý nguy hiểm khác như béo phì, tiểu đường type 2, cholesterol cao... Tỷ lệ bị THA đang tăng lên và HA không kiểm soát được vẫn là vấn đề phổ biến và gia tăng biến chứng.

Thế nào là THA?

HA được xác định dựa trên 2 chỉ số (HA tâm thu/ HA tâm trương). Theo Hiệp hội Tim mạch Việt Nam, HA đạt dưới 120/80mmHg được coi là mức bình thường. Khi HA luôn ở mức từ 140/90mmHg trở lên thì được xem là THA. THA độ 1: từ 140/90mmHg trở lên; THA độ 2: từ 160/100mmHg trở lên; THA độ 3: từ 180/110mmHg trở lên.

THA là một bệnh lý mạn tính khi áp lực của máu tác động lên thành động mạch tăng cao. Khi mắc bệnh THA, áp suất máu lưu thông trong các động mạch tăng cao, gây nhiều sức ép hơn đến các mô và khiến các mạch máu bị tổn hại dần theo thời gian. HA tăng cao gây ra nhiều áp lực cho tim (tăng gánh nặng cho tim) và là căn nguyên của nhiều biến chứng tim mạch nghiêm trọng như: tai biến mạch máu não, suy tim, bệnh tim mạch vành, nhồi máu cơ tim,...

Một số loại THA chủ yếu gồm:

THA vô căn (hay nguyên phát, bệnh THA): không có nguyên nhân cụ thể, chiếm đến 90% các trường hợp.

THA thứ phát (THA là triệu chứng của một số bệnh khác): liên quan đến một số bệnh trên thận, động mạch, bệnh van tim và một số bệnh nội tiết.

THA tâm thu đơn độc: Khi chỉ có HA tâm thu tăng trong khi HA tâm trương bình thường.

THA khi mang thai: bao gồm THA thai kỳ và tiền sản giật. Cảnh báo một số nguy cơ tim mạch trong giai đoạn mang thai.

Các yếu tố nguy cơ của THA là: Trước tiên đó là vấn đề tuổi tác. Khi tuổi càng cao thì nguy cơ THA càng tăng; thừa cân - béo phì; lối sống (ăn mặn, thiếu vận động thể lực, lạm dụng rượu bia thuốc lá); yếu tố tiền sử gia đình cũng là nguyên nhân mắc bệnh THA…

Hấp thụ lượng lớn thức ăn có nhiều chất xơ có thể giảm huyết áp.

Thay đổi thói quen sống để kiểm soát HA hiệu quả hơn

Kiểm soát cân nặng: để phòng ngừa bệnh THA cần luôn duy trì cân nặng ở mức hợp lý. Những người thừa cân - béo phì thường có nguy cơ mắc THA cao hơn những người có cân nặng bình thường. Do vậy trường hợp thừa cân và có vòng bụng quá to (với nam giới là trên 90cm), thì cần tập luyện và áp dụng chế độ giảm cân phù hợp.

Chế độ ăn uống khoa học: Trong chế độ ăn uống hằng ngày cần tích cực sử dụng thực phẩm hỗ trợ hiệu quả phòng ngừa THA như:

Rau xanh và trái cây: những loại trái cây nên tích cực bổ sung vào khẩu phần dinh dưỡng hằng ngày là: cam, quýt, bưởi, táo, bơ, dâu, thanh long, chuối, dưa hấu, thơm... chứa nhiều vitamin E, C hoặc kali giúp phòng ngừa THA hiệu quả.

Ngũ cốc thô: Ngoài tác dụng chống táo bón, chất xơ từ các loại ngũ cốc thô như gạo lứt, bo bo, bắp, yến mạch, bánh mì đen... còn có tác dụng hạn chế sự hấp thu cholesterol vào máu, ngăn ngừa xơ vữa động mạch và tăng cường khả năng tiết axít mật hỗ trợ tiêu hóa.

Cá: Để bổ sung đạm, tốt nhất nên dùng cá thay thịt, đặc biệt là 2-3 lần ăn cá biển mỗi tuần vì cá chứa nhiều axít béo không bão hòa, giúp giảm cholesterol máu.

Sử dụng chất béo không bão hòa: Để tiết giảm cholesterol, nên dùng chất béo không bão hòa từ dầu ôliu, dầu bắp, dầu hướng dương, dầu đậu nành... Ngoài ra, hãy thay các món chiên, xào bằng thức ăn nướng hoặc hấp để tốt cho sức khỏe.

Song song với việc bổ sung các thực phẩm trên, bạn cũng cần lưu ý tránh những thực phẩm có thể gây THA như:

Muối: Việc giảm bớt thức ăn mặn có thể giúp giảm huyết áp. Qua đó không nên ăn thức ăn kho mặn, nước chấm mặn, các thực phẩm giàu natri như trứng vịt muối, thịt chà bông…

Chất béo bão hòa: cần tránh ăn thức ăn xào, chiên, lòng đỏ trứng gà, da hoặc nội tạng động vật, nước xương hầm…

Chất bột đường (glucid): Để giảm thiểu nguy cơ THA, cần ăn vừa đủ lượng, cơm, bún, phở, đồng thời tránh các thực phẩm, trái cây nhiều ngọt như bánh kẹo, nước ngọt, mứt, xoài, nhãn, mít, vải, tươi…

Thịt đỏ: Đạm từ thịt bò, cừu, dê, chó sẽ làm tăng cholesterol dẫn đến THA cần tránh sử dụng.

Thức ăn chế biến sẵn: Hạn chế thịt xông khói, thịt muối, lạp xưởng, xúc xích vì đây là những thực phẩm chứa tỉ lệ muối và chất bảo quản cao.

Các chất kích thích: Cà phê, bia rượu, trà, gia vị cay nóng sẽ làm hưng phấn thần kinh, gây mất ngủ, rối loạn nhịp tim, từ đó dẫn đến THA.

Giảm căng thẳng: Căng thẳng có thể làm HA tăng cao, vì vậy để kiểm soát HA hiệu quả cần giảm áp lực công việc, gia đình, sắp xếp thời gian ngủ, nghỉ ngơi hợ lý…

Luyện tập thường xuyên: Để kiểm soát THA, cần lên kế hoạch duy trì luyện tập từ 30 - 60 phút/ ngày và 5 ngày/ tuần. Việc luyện tập còn giúp tránh xa stress - một trong những nguyên nhân khiến HA tăng cao. Các hình thức tập luyện tốt cho sức khoẻ có thể chọn là đi bộ, bơi lội, các môn thể thao vừa sức…

Thường xuyên theo dõi HA tại nhà và kiểm tra định kỳ: việc theo dõi tại nhà giúp bạn tự kiểm tra HA của mình thường xuyên và liên tục. Việc khám định kỳ là chìa khoá giúp bạn kiểm soát HA. Nếu HA không được kiểm soát tốt, nên hỏi bác sĩ bao lâu nên tái khám.