Thông báo
Những điều bệnh nhân suy tim cần biết
16:06 | 16/07/2021 - Tim mạch

Suy tim là tình trạng cơ tim không còn đủ sức co bóp tống máu để đảm bảo nhu cầu ôxy ngoại biên của cơ thể nữa. Đây là biến chứng cuối cùng của tất cả các bệnh về tim, động mạch và các bệnh toàn thân. Do tình trạng của từng bệnh mà tim có thể suy một bên trước rồi dẫn đến suy tim toàn bộ hoặc suy tim toàn bộ ngay từ đầu.

Nguyên nhân và phân loại

Theo nghiên cứu, khoảng 40% số bệnh nhân không thể tìm được một nguyên nhân cụ thể cho việc gây suy tim. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân dẫn đến suy tim chủ yếu là do: Huyết áp cao không điều trị; Bệnh cơ tim thiếu máu; Nhồi máu cơ tim; Bệnh van tim (hẹp, hở van 2 lá, hẹp hở van động mạch chủ); Bệnh tim bẩm sinh không điều chỉnh bằng phẫu thuật (hẹp van động mạch phổi, còn ống động mạch...); Viêm cơ tim; Cường giáp không điều trị; Suy thận mạn tính; Loạn nhịp tim kéo dài...

Thông thường suy tim được chia ra ở 4 cấp độ, Độ 1: Bệnh nhân có bệnh tim nhưng không có triệu chứng cơ năng nào, hoạt động thể lực vẫn bình thường; Độ 2: Các triệu chứng cơ năng xuất hiện khi gắng sức, hạn chế hoạt động thể lực; Độ 3: Các triệu chứng cơ năng xuất hiện ngay cả khi gắng sức nhẹ, làm hạn chế hoạt động thể lực; Độ 4: Các triệu chứng cơ năng xuất hiện thường xuyên kể cả khi nghỉ ngơi.

Bệnh nhân tim mạch nên khám thường xuyên.

Lập kế hoạch chăm sóc

Người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ những chỉ định của bác sĩ và tái khám điều đặn. Người bệnh nằm nghỉ, tránh các hoạt động gắng sức. Hàng ngày, bệnh nhân cần vận động nhẹ nhàng các chi để phòng biến chứng tắc mạch. Nếu người bệnh có cơn khó thở kịch phát về đêm thì ngay từ đầu tối khuyên người bệnh nằm ngủ ở tư thế nửa ngồi. Tuân thủ chế độ dinh dưỡng phù hợp không làm tăng gánh nặng cho tim như: giảm calo dưới 1.500 Kcal/ngày, giảm muối, nước, ăn ít một, thức ăn dễ hấp thu. Lượng muối tối đa 0,2-0,5g/ngày, ăn nhạt hoàn toàn nếu suy tim quá nặng. Cụ thể,

Đối với bệnh nhân suy tim độ 1-2: Dùng chế độ ăn nhạt vừa 2-3g muối/ngày. Năng lượng 1.400-1.500 Kcal, potein: 0,8g/kg. Ví dụ, buổi sáng bệnh nhân có thể ăn khoai lang luộc, ngô luộc 200g (hoặc uống 1 cốc sữa đậu nành 200ml), đến bữa trưa có thể ăn 2 lưng bát cơm trắng (100g gạo). Rau muống xào, trứng gà luộc 1 quả, tráng miệng 1 quả chuối tiêu (100g) cũng có thể thay đổi với bữa trưa là phở bò, mỳ gạo (bánh phở, mỳ gạo 150g, thịt bò 30g, ít dầu ăn, rau cải 100g) tráng miệng có thể là cam hoặc đu đủ (100g). Bữa tối có thể ăn cháo thịt nạc (gạo tẻ: 30g, thịt nạc 30g) có thể ăn thêm hoa quả (100g).

Đối với bệnh nhân suy tim độ 3: chế độ ăn nghiêm ngặt hơn bao gồm: lượng muối 1-2g; Protein: 40g; Năng lượng 1.200-1.300Kcal. Cụ thể nếu uống sữa buổi sáng (sữa đậu nành 150ml), bữa trưa ăn phở, mỳ gạo (bánh phở, mỳ gạo 120g, thịt nạc 30g, nước xương). Bữa tối có thể ăn cháo hoặc cơm trắng (gạo 30g, cá hoặc thịt nạc 50g...) các bữa phụ có thể uống sữa (100ml)

Chế độ ăn cho bệnh nhân suy tim độ 4: Giá trị dinh dưỡng của thực đơn: năng lượng: 1.025Kcal; protein: 26,7g; muối: 0,8g và thường cho ăn cơm, cháo đường (gạo tẻ 20g), sữa đậu nành (100ml). Lưu ý hạn chế nước uống vào. lượng nước vào cơ thể được tính bằng lượng tiểu 24h + 300ml nên phải theo dõi lượng nước tiểu hàng ngày.

Lời khuyên của bác sĩ

Một chế độ ăn có sữa, rau quả, khoai, ngô,... đảm bảo vì chứa ít muối lại có nhiều kali, nhiều yếu tố kiềm và có ít protein, có nhiều đường giúp chuyển hóa tốt, ít năng lượng để bộ máy tiêu hóa được nghỉ ngơi... nên ăn bữa nhỏ, nhiều bữa, chọn thức ăn dễ tiêu hóa.

Người bệnh suy tim cần tránh dùng các thức ăn sinh hơi và các loại thức ăn lên men như: trứng, đậu vì nó đẩy cơ hoành lên, làm ảnh hưởng đến tim. Hạn chế các thức ăn ức chế thần kinh như: chè, cà phê, rượu, các loại gia vị. Không dùng các loại thức ăn chế biến sẵn có nhiều muối như: dưa muối, cà pháo, mắm tôm, bánh mì, thịt hun khói, patê, xúc xích, lạp xưởng...

Người bệnh cần theo dõi cân nặng thường xuyên, nên cân vào một giờ cố định trong ngày vì tăng cân có thể là dấu hiệu đầu tiên của phù. Nên lập một kế hoạch tập luyện thể dục và phải có thời gian nghỉ ngơi xen kẽ cần có sự hướng dẫn của bác sĩ. Cần đến khám bác sĩ tim mạch thường xuyên. Ngoài ra, người bệnh cần đến thầy thuốc khám ngay khi thấy xuất hiện 1 trong các dấu hiệu sau: khó thở nhiều, tăng cân đột ngột, ho kéo dài, đau ngực, thay đổi tần số tim từ 20 lần/phút trở lên.