Thông báo
Chỉ còn 40 ngày: Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi vẫn rất chậm, nhiều tỉnh tiêm mũi 2 chỉ dưới 16%
10:13 | 21/07/2022 - Tổng Hợp Tuần

Cả ca COVID-19 mới và ca nặng đều gia tăng

Bộ Y tế cho biết, ngày 20/7 số ca mắc mới COVID-19  tiếp tục gia tăng so với hôm qua với số mắc là 1.161 ca; Trong ngày số khỏi bệnh gấp gần 9 lần số mắc mới.   

Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ ngày 16 đến 20/7, số ca nhiễm COVID-19 tại nước ta liên tục "leo thang". Trong ngày 16/7 ghi nhận 705 ca, ngày  17/7 là 745 và 18/7 là 840 ca thì đến ngày 19/7 lên đến 1.085 ca; tiếp đó ngày 20/7, ca mắc tăng lên 1.161 ca. Ngày 20/7 cũng được xem là ngày có số ca nhiễm cao nhất trong vòng hơn 1 tháng rưỡi qua (ngày 2/6 có 1.088 ca).

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.763.694 ca nhiễm, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.584 ca nhiễm).

Chỉ còn 40 ngày: Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi vẫn rất chậm, nhiều tỉnh tiêm mũi 2 chỉ dưới 16%  - Ảnh 1.

Tiến độ tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi vẫn rất chậm, nhiều tỉnh tiêm mũi 2 chỉ dưới 16%Ảnh: Trần Minh

Đến nay tổng số ca COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 9.832.646 ca. Trong số các bệnh nhân đang theo dõi, giám sát có 49 trường hợp đang thở ô xy là 49 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 39 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 4 ca; Thở máy không xâm lấn: 1 ca; Thở máy xâm lấn: 5 ca. Như vậy số F0 thở oxy tăng 8 trường hợp so với ngày trước đó.

Theo Bộ Y tế, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia với sự xuất hiện của biến thể BA.4 và BA.5 của chủng Omicron, nhất là tại khu vực châu Âu. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã khuyến cáo người dân mang khẩu trang trở lại.

Trước tình hình này, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát sự lưu hành của biến thể phụ BA.4, BA.5 và các biến thể khác; Đồng thời đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm mũi 4 cho các đối tượng có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi đảm bảo thần tốc, quyết liệt, an toàn, hiệu quả, khoa học. 

Tiếp tục tăng cường truyền thông, vận động, khuyến khích người dân tiêm chủng mũi 3, mũi 4 kịp thời và đầy đủ và khuyến cáo người dân nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng dịch.

Chỉ còn 40 ngày nhưng tiến độ tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi rất chậm

Về tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, Bộ Y tế cho biết đến hết ngày 19/7, cả nước đã tiêm 19.681.156 liều, trong đó mũi 1 là 9.024.828 liều; Mũi 2 là 8.685.313 liều; Mũi 3 là 1.971.015 liều.

Tuy nhiên, tiêm cho nhóm trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi là 10.590.551 liều: Mũi 1 là 7.232.625 liều; Mũi 2 là 3.357.926 liều. Đáng chú ý có nhiều tỉnh thành tiêm mũi 2 cho trẻ 5 - dưới 12 tuổi mới đạt 8- 15,4%, trong khi thời gian để hoàn thành mục tiêu tiêm cho trẻ trong độ tuổi này chỉ còn 40 ngày.

Về lý do tiến độ tiêm chủng cho nhóm 5 đến dưới 12 tuổi quá chậm, các gia lý giải thời gian vừa qua là dịp trẻ được nghỉ hè, bên cạnh đó trong tháng 2 đến tháng 4-2022 đã có 3,5 triệu trẻ các lứa tuổi mắc COVID-19, tình trạng bệnh hầu hết là nhẹ khiến các gia đình cho rằng con đã có miễn dịch phòng bệnh và không muốn cho con đi tiêm chủng hoặc chưa đủ thời gian tiêm sau khi mắc bệnh.

Đồng thời nhiều phụ huynh có tâm lý lo lắng về phản ứng sau tiêm, sợ ảnh hưởng đến học tập và sinh hoạt của con nên không đồng ý cho con tiêm chủng. Các phụ huynh cũng e ngại các tác hại lâu dài của vaccine đối với trẻ em trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ em ở độ tuổi này tại nhiều quốc gia phát triển như Mỹ,.. còn ở mức thấp.

Bên cạnh đó hiện tại hầu hết trẻ đang trong thời gian nghỉ hè nên khó huy động trẻ đến tiêm chủng so với giai đoạn trước đây.

Biến thể BA.4, BA.5 trở thành biến thể phụ vượt trội ở một số nước

Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hơn 570 triệu ca, trên 6,39 triệu ca tử vong. 

Ngày 19/7, WHO thông báo số ca nhiễm mới ở châu Âu đã tăng gấp ba lần trong vòng 6 tuần qua, hơn ba triệu ca mắc COVID-19 mới ở châu Âu vào tuần trước, chiếm gần một nửa tổng số trường hợp toàn cầu. Tỷ lệ nhập viện đã tăng gấp đôi, gần 3.000 ca tử vong mỗi tuần. 

WHO khuyến cáo các quốc gia nên hành động ngay lập tức để tránh quá tải hệ thống y tế, kêu gọi các nước tăng cường giám sát COVID-19 một cách rộng rãi dựa vào số lượng người nhiễm, tiêm liều vaccine tăng cường, đeo khẩu trang.

Tại Bồ Đào Nha, BA.5 trở thành biến thể phụ vượt trội ở nước này kể từ đầu tháng 5, không lâu sau khi nó được phát hiện vào cuối tháng 3; đến tháng 6, nó chiếm 84% trên tổng số ca nhiễm; hiện số ca mắc mới trung bình 7 ngày tại nước này hiện là 5.200, đứng thứ 5 trên thế giới. Ở Pháp, số ca mắc mới tăng gấp ba lần, số người nhập viện tăng lần đầu kể từ tháng 4; số ca nhiễm BA.5 tăng 24% trong tuần đầu tháng 6.

Tại Thái Lan, số ca nhiễm 2 biến thể phụ BA.4 và BA.5 đã tăng đều đặn ở thủ đô Bangkok trong 4 tuần qua, từ 12% lên 50%, lên 68% và 72% số ca được giải trình tự gien. Làn sóng BA.4 và BA.5 đang từ từ vượt qua BA.1 và BA.2. Hai biến thể BA.4 và BA.5 phổ biến hơn ở Bangkok so với các tỉnh khác. Tuy nhiên làn sóng này sẽ dần dần lan rộng từ Bangkok sang các khu vực còn lại.

Thái Bình

Tin cùng chủ đề