Thông báo
Nhiều trẻ bỗng rậm lông, phù mặt vì dùng thuốc corticoid liên tục
10:16 | 21/07/2022 - Tổng Hợp Tuần

Rậm lông, phù mặt vì dùng thuốc Corticoid liên tục

Các bác sĩ Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) ngày 20/7 cho biết, vừa tiếp nhận điều trị bệnh nhi bị suy tuyến thượng thận do dùng thuốc xịt mũi chứa thành phần corticoid liên tục trong một năm. 

Bệnh nhi là bé N.H.T (10 tuổi, quê Bắc Giang). Dựa trên các biểu hiện lâm sàng như bộ mặt cushing, chân tay rậm lông, xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy chỉ số cortisol thấp (3,43 nmol/l), các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị suy tuyến thượng thận do dùng thuốc có corticoid, viêm mũi xoang cấp. Trẻ được điều trị bù canxi, sử dụng thuốc hydrocotisol.

293955583_1077304763165622_1814365087502000427_n.jpg

Bé trai 10 tuổi có gương mặt cushing, chân tay rậm lông. Ảnh: BSCC

Trước đó, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cũng điều trị bé trai 5 tuổi quê Sơn La bị suy thượng thận do sử dụng corticoid sai cách. Bé nhập viện trong tình trạng béo phì, mặt nặng, mọc lông và rậm lông vùng mặt và mép.

Trước vào viện 4 tháng, bé được chẩn đoán viêm tiểu phế quản. Điều trị chưa khỏi hoàn toàn, người nhà tự ý đưa trẻ tới phòng khám tư, được tiêm corticoid 8 mũi trong 4 ngày liên tục.

Sau khi tiêm, cháu N.T.D đỡ ho nhanh, tuy nhiên sau đó khoảng 1 tháng, cháu bắt đầu có dấu hiệu nặng mặt, ăn khỏe hơn bình thường (4 bát cơm/bữa), tăng 3-4 kg, tóc mọc thấp, xuất hiện ria mép.

Kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho thấy cortisol huyết thanh của trẻ giảm dưới 27,6 (ngưỡng bình thường 69-610), tuyến thượng thận không hoạt động. 

Trẻ bỗng dưng xuất hiện nhiều lông rậm, cơ thể béo phì, nặng mặt là triệu chứng lâm sàng của hội chứng suy tuyến thượng thận thường gặp đối với người bệnh sử dụng corticoid quá liều và không đúng chỉ định.
 

Corticoid- con dao hai lưỡi

Corticoid (hay corticosteroid) là nhóm hoạt chất có tác dụng kháng viêm mạnh, chống dị ứng, ức chế miễn dịch, thường được sử dụng để điều trị cho nhiều bệnh lý khác nhau, từ các bệnh về da như kích ứng do côn trùng đốt, eczema, chàm, vẩy nến…, các bệnh như viêm khớp, viêm phổi, các bệnh tự miễn như dị ứng, lupus ban đỏ hệ thống. 

BS Đỗ Gia Nam, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, cho hay các thuốc corticoid được coi là "con dao hai lưỡi".  

Corticoid sử dụng đúng chỉ định, liều lượng vừa phải trong thời gian nhất định có thể điều trị hiệu quả một số bệnh lý nguy hiểm như hen phế quản, sốc phản vệ, lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp... và không gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cơ thể.

 
"Dùng Corticoid liều cao và kéo dài dẫn đến nguy cơ suy tuyến thượng thận, làm trẻ chậm phát triển do tuyến này quen với tình trạng có thuốc trong cơ thể sẽ ngưng hoạt động, không còn duy trì chức năng nội tiết".
BSCKI Nguyễn Thị Sơn

BSCKI Nguyễn Thị Sơn - Phó trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy - cho biết, corticoid là thuốc thông dụng nhưng khi sử dụng phải có sự kiểm soát của bác sĩ.  

Trẻ bị tổn thương tuyến thượng thận cấp với các triệu chứng điển hình như hội chứng cushing (tăng cân, mặt tròn, béo trung tâm, tích tụ mỡ ở vùng cổ, sau gáy…), rậm lông, da mỏng, rạn da, suy giảm chức năng miễn dịch gây nhiễm trùng cơ hội, tăng đường huyết, rối loạn điện giải, rối loạn tâm thần, chậm phát triển chiều cao, loãng xương…

Triệu chứng nặng có thể xuất hiện bất thường như đau bụng; nôn và tiêu chảy nhiều gây mất nước nặng, xuất huyết tiêu hóa, tụt huyết áp, lơ mơ, có thể hôn mê.

Bác sĩ Sơn khuyến cáo phụ huynh cần hiểu thành phần, công dụng, hướng dẫn sử dụng để biết thuốc chứa thành phần corticoid hay không. Có nhiều tên thuốc khác nhau chứa corticoid như Medron, Menison, Hydrocortison, Kacor, Prednisolone, Prednisone, Methylprednisolone, Betamethasone, Dexamethasone,… Có thể dựa vào ký hiệu tên thuốc có đuôi "sone" ("son") hoặc "olone" ("olon") để nhận biết nhóm thuốc có chứa corticoid.