Thông báo
Rét đậm rét hại, bà bầu cần làm gì để bảo vệ mình và thai nhi?
11:16 | 16/01/2020 - Tổng Hợp Tuần

Trong những ngày rét đậm rét hại, mẹ bầu dễ bị mắc các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp. Do đó, việc bảo vệ sức khỏe cho bà bầu và thai nhi trong mùa đông là vô cùng quan trọng.

Trong những ngày qua, thời tiết miền Bắc đang trải qua cái rét kỷ lục, thậm chí có những địa phương nhiệt độ xuống dưới 0 độ, xuất hiện cả băng tuyết khiến người già, trẻ nhỏ nhập viện gia tăng vì những bệnh lý đường hô hấp. Trước tình trạng đó, bà bầu cũng là một trong những đối tượng dễ mắc bệnh vào thời tiết giá lạnh này. Do đó, các bà bầu cần phải chú ý những điều dưới đây để bảo vệ bản thân và thai nhi:

Không nên đắp chăn kín đầu khi ngủ


Không nên đắp chăn kín đầu khi ngủ. (Ảnh minh họa)

Nếu mẹ bầu bị viêm mũi, viêm xoang, viêm mũi dị ứng thì thường có thói quen đắp chăn kín đầu khi ngủ. Tuy nhiên, vào mùa đông, thói quen này lại gây hại cho thai nhi bởi lượng oxy bà bầu hấp thụ sẽ bị tụt giảm khiến trẻ không nhận được lượng oxy cần thiết. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng suy thai, chậm phát triển do thiếu hụt oxy.

Không nên mặc quá nhiều quần áo

Việc giữ ấm cho cơ thể vào mùa đông là điều rất quan trọng bởi môi trường khô, lạnh và ẩm ướt rất dễ khiến mẹ bầu bị cảm lạnh. Tuy nhiên, việc mặc càng nhiều quần áo càng tốt lại là một quan niệm sai lầm mà nhiều thai phụ mắc phải. Cụ thể, việc mặc quần áo sẽ giúp thân nhiệt duy trì bình thường và các mạch máu sẽ giãn ra khiến lượng máu đến da tăng cường tản nhiệt.

Thế nhưng, việc mặc nhiều tầng quần áo sẽ làm lượng nhiệt không tản ra ngoài được và gây phản ứng ngược làm thân nhiệt của mẹ bầu tăng cao, tác động trực tiếp lên thai nhi. Bên cạnh đó, vào mùa đông mẹ bầu không nên mặc những trang phục quá bó sẽ làm ảnh hưởng đến sự lưu thông máu huyết trong cơ thể.

Hạn chế sử dụng một số thiết bị làm ấm cơ thể

Máy sưởi và chăn điện là hai thiết bị được không ít mẹ bầu thường xuyên sử dụng vào mùa đông. Tuy nhiên, nó lại không hề tốt với bà bầu và sự phát triển của thai nhi. Cụ thể, do lượng bức xạ điện tử sẽ làm ảnh hưởng đến trí não của trẻ; thậm chí khiến bà bầu bị mất nước, muối và da khô nứt nẻ, khô miệng khi lạm dụng máy sưởi, chăn điện.

Ngoài ra, bà bầu cũng không nên dùng các miếng dán giữ nhiệt có thành phần hóa học vào mùa đông. Theo đó, nếu thân nhiệt của bà bầu vượt quá 38,3 độ C thì dễ dẫn đến các tác động tiêu cực đến trí não của thai nhi. Bên cạnh đó, bà bầu nên tập thói quen uống nước vào mùa đông để cải thiện làn da nứt nẻ, đàn hồi kém. Đồng thời, các ion từ nước sẽ giúp hoạt động tuần hoàn máu diễn ra tích cực hơn và “làm nóng” cơ thể mẹ từ bên trong.

Không tắm nước quá nóng


Khi mang thai vào mùa đông, bà bầu nên hạn chế tắm nước quá nóng.

Khi mang thai vào mùa đông, bà bầu nên hạn chế tắm nước quá nóng hoặc xông hơi ở nhiệt độ cao. Tuy chúng có tác dụng làm ấm cơ thể và giúp thư giãn nhưng nếu lạm dụng nhiệt độ quá cao sẽ làm thân nhiệt tăng đột ngột, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của thai nhi. Thậm chí, nếu tắm nước quá nóng ở 3 tháng đầu của thai kỳ còn có thể gây dị tật bẩm sinh, còn trong 3 tháng cuối có thể làm bà bầu bị co thắt tử cung, sinh non.

Không nhất thiết ngày nào cũng tắm

Mùa đông trời lạnh, nhiệt độ xuống thấp nên cơ thể thường ít toát mồ hôi hơn. Chính bởi vậy, mẹ bầu không cần thiết phải ngày nào cũng tắm. Tắm nước nóng thường xuyên vào thời tiết này sẽ khiến làn da của bà bầu dễ khô nẻ, ngứa ngáy khó chịu.

Hơn nữa, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột giữa phòng tắm nóng với không khí bên ngoài có thể khiến mẹ bầu dễ bị cảm lạnh. Đặc biệt, khi tắm rửa xong chị em nên sấy khô tóc ướt trước khi đi ra ngoài trời. Bởi để đầu ướt ra ngoài gió lạnh sẽ dễ khiến cơ thể mất nhiệt gây ra nhiễm lạnh, nguy hiểm cho thai nhi.

Đảm bảo dinh dưỡng cân bằng

Thời tiết khô hanh của mùa đông có thể làm đẩy nhanh quá trình mất nước của cơ thể. Lúc này, các bà bầu nên tăng cường uống nước. Nhưng cần chú ý là không uống nước lạnh hoặc nước đá mà chỉ nên uống nước ấm để tránh ho và viêm họng.

Việc cân bằng dinh dưỡng trong mùa lạnh đặc biệt quan trọng dựa trên nguyên tắc “tươi ngon và bổ dưỡng”. Các bà bầu nên tăng cường bổ sung một số loại thực phẩm chứa nhiều protein và nước như: thịt nạc, thịt gà, cá, trứng, sữa, các sản phẩm từ đậu nành, rau xanh, hoa quả...

Ngoài ra, một số sản phẩm sữa bổ sung dành cho các bà bầu chứa nhiều probiotics cũng có tác dụng tăng cường dinh dưỡng và sức đề kháng cho cả mẹ và thai nhi.

Tăng cường luyện tập

Cái rét mùa đông thường làm các bà mẹ có tâm lý ngại luyện tập. Điều này hoàn toàn không tốt cho sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.

Những ánh nắng hiếm hoi trong mùa đông là vô cùng quý giá. Các chứng minh đã chỉ ra rằng, việc thiếu vitamin D trong quá trình mang thai có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của xương và não bộ trẻ về sau này.

Vì vậy, các bà mẹ hãy tăng cường luyện tập để nâng cao sức khỏe của mình. Thường xuyên đi bộ, mát xa cơ thể sẽ giúp giãn nở các cơ, tạo sự “nhẹ nhõm” cho cơ thể người mẹ, từ đó giúp quá trinh sinh con được dễ dàng hơn.

Quan tâm tới giấc ngủ

Những cảm giác khó chịu trong thời kỳ mang thai như: Buồn nôn, ợ nóng, đi tiểu nhiều, mệt mỏi... đã làm “xáo trộn” giấc ngủ của thai phụ. Việc thiếu ngủ có thể làm suy giảm sức khỏe của cả mẹ và bé.

Một giấc ngủ “chất lượng” giúp tăng cường sức đề kháng của thai phụ, ngăn ngừa sự xâm nhập của các virus gây bệnh vào cơ thể.

Vì vậy, các bà bầu cần đặc biệt quan tâm tới giấc ngủ của mình trong mùa đông. Hãy chọn loại đệm và chăn mình thích để có thể tìm tới giấc ngủ một cách dễ dàng. Nên chọn tư thế nằm thích hợp để không tạo sức ép cho thai nhi. Ngoài ra, những giấc ngủ ngắn trong ngày cũng có tác dụng tốt trong việc tăng khả năng nhanh nhạy, trí nhớ tốt hơn và giảm triệu chứng mệt mỏi trong thời kỳ thai nghén.

Theo Nguoiduatin.vn