Thông báo
Chuyên gia cảnh báo những điều không được làm khi sơ cứu bệnh nhân bị đột quỵ
14:54 | 16/01/2020 - Tổng hợp

Nhiều trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ nhưng do người thân không biết cách sơ cứu đột quỵ đúng dẫn đến người bệnh mất "thời gian vàng" trong điều trị.

Bác sĩ Phạm Văn Cường – Trung tâm Đột quỵ não bệnh viện Trung ương quân đội 108 cho biết, đột quỵ não là một bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng bệnh nhân, hoặc có thể để lại những di chứng nặng nề cho bệnh nhân, là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Theo bác sĩ Cường, trong cấp cứu bệnh nhân đột quỵ, yếu tố thời gian đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt với bệnh nhân nhồi máu não. Trong 3 đến 6 giờ đầu kể từ khi khởi phát, nếu bệnh nhân nhồi máu não được đưa đến các cơ sở y tế chuyên khoa, mạch máu não có thể được tái thông, từ đó có thể cải thiện, thậm chí phục hồi hoàn toàn các triệu chứng. Vì vậy, khoảng thời gian này còn được gọi là “thời gian vàng “của đột quỵ.

Tuy nhiên, trước khi đưa đến cơ sở y tế, nhiều người không biết cách sơ cứu đúng khiến người bệnh lâm vào tình trạng trầm trọng. Dưới đây là lời khuyên của bác sĩ Cường:


Ảnh minh họa.

Những điều không được làm khi bị đột quỵ

Không tự ý điều trị cho bệnh nhân dù chỉ là bấm huyệt, châm cứu, đánh gió vì những động tác này có thể làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn.

Không được cho bệnh nhân ăn, uống, đề phòng nôn gây trào ngược bệnh nhân hít chất nôn hoặc thức ăn vào đường thở gây nguy hiểm.

Không được tự ý dùng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ.

Theo hiệp hội Tim mạch, đột quỵ của Hoa Kỳ và châu Âu, cần chẩn đoán đột quỵ não theo công thức F.A.S.T, viết tắt là:

F = Face: Liệt mặt, bạn tự soi gương thấy, hoặc người khác thấy một bên mặt bị liệt, gây méo miệng.

A = Arm: Chi, bạn thấy yếu liệt một bên tay chân, nhẹ có thể tê bì, viết chữ xấu hơn bình thường, đi lại khó hơn. Nặng có thể liệt hoàn toàn một bên người, bán thân bất toại.

S = Speech: Giọng nói, bạn nói năng khó khăn hơn, hoặc người nhà phát hiện ra nói khó, ngọng hoặc không phù hợp.

T = Time: Phải tận dụng thời gian để đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Tốt nhất là trong 3 đến 6 giờ đầu để bệnh nhân có thể điều trị bằng phương pháp điều trị đặc hiệu như tiêu huyết khối đường tĩnh mạch và lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học.

Cấp cứu bệnh nhân đột quỵ như thế nào cho đúng?

Nếu bệnh nhân còn tỉnh cần để bệnh nhân nằm yên tĩnh và gọi cấp cứu đến để đưa bệnh nhân đến bệnh viện chuyên khoa gần nhất.

Nếu bệnh nhân bất tỉnh: Cần đỡ tránh cho bệnh nhân khỏi bị ngã.

Phải lập tức đưa người bệnh tới bệnh viện vì nếu não bị thiếu máu, thiếu oxy lâu thì não sẽ bị hoại tử đi rất nhanh chóng. Để càng lâu thì phần não bị chết càng lớn, không thể chữa trị phục hồi lại được. Do đó phải đưa người bệnh vào bệnh viện càng nhanh chóng càng tốt để có thể cứu sống kịp thời các phần não chưa bị chết (vùng não tranh tối, tranh sáng).

Theo Nguoiduatin.vn