Thông báo
Dấu hiệu nhận biết bệnh lao
16:07 | 29/01/2016 - Hô hấp

Lao là tình trạng nhiễm vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis, thường gặp nhất ở phổi nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương (lao màng não)

Nguyên nhân gây bệnh

Theo Alobacsi, tác nhân chính là Mycobacterium tuberculosis (MT, quen gọi là vi khuẩn Koch hay BK, mang tên nhà vi khuẩn học người Đức Robert Koch).

Ngoài ra còn có các Mycobacterium khác cũng gây ra bệnh lao như: M. bovis (vi khuẩn lao ở bò trước đây cũng hay gặp gây ra bệnh lao ở người, nay đã bị loại trừ ở các nước phát triển nhờ tiệt khuẩn sữa bằng phương pháp Pasteur), M. africanum (không phân bố rộng nhưng là nguyên nhân quan trọng của lao ở nhiều vùng châu Phi).

BK là một vi khuẩn nhỏ, không di chuyển, hiếu khí. Vỏ mỡ của nó bắt màu đỏ của một bazơ là carbol-fuchsin và không bị phai màu khi rửa với acid loãng, do đó BK là một vi khuẩn bền màu với acid. Nhuộm Ziehl-Neelsen, BK có màu đỏ sáng nhìn rõ trên nền xanh lục.

Dấu hiệu nhận biết

Theo Người lao động, có rất nhiều dấu hiệu để nhận biết bệnh lao phổi, tuy nhiên, không phải ai cũng nắm được để phát hiện bệnh kịp thời. Vì vậy, đại đa số bệnh nhân mắc bệnh lao phổi đều không biết mình mắc bệnh cho đến khi bệnh diễn biến nặng. Dưới đây xin dẫn những dấu hiệu điển hình thường gặp để mọi người có thể đi khám sớm và được điều trị kịp thời.

  • Ho

Ho là triệu chứng của mọi bệnh phổi cấp và mạn tính. Ho có thể do nhiều nguyên nhân như viêm phổi, viêm phế quản, giãn phế quản, lao, ung thư phổi… Mọi bệnh nhân ho trên 3 tuần không phải do viêm phổi, viêm phế quản, giãn phế quản, ung thư phổi mà đã dùng thuốc kháng sinh không giảm ho phải nghĩ đến do lao phổi.

  • Khạc ra đờm

Khạc đờm là biểu hiện tăng xuất tiết do phổi phế quản bị kích thích hoặc do có tổn thương tại phổi phế quản. Khạc đờm cũng như ho có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra mà các nguyên nhân thông thường nhất là viêm nhiễm. Do vậy, nếu sau khi đã dùng thuốc kháng sinh, triệu chứng khạc đờm không giảm thì người bệnh có triệu chứng ho khạc trên 3 tuần phải nghĩ đến do lao phổi. Ho khạc đờm là những dấu hiệu hay gặp nhất trong các dấu hiệu quan trọng gợi ý nguyên nhân lao phổi.

  • Ho ra máu

Ho ra máu là triệu chứng có thể gặp ở 60% những người lao phổi, thể hiện có tổn thương, chảy máu trong đường hô hấp. Nguyên nhân gây ho ra máu rất nhiều từ các bệnh phổi - phế quản (viêm phổi, viêm phế quản, áp xe phổi, ung thư phổi, phế quản…) đến các bệnh ngoài đường hô hấp như tim mạch (suy tim, tăng huyết áp…), bệnh toàn thân (rối loạn đông máu, chảy máu, thiếu hụt vitamin C…).

  • Đau ngực, khó thở

Đau ngực là triệu chứng dễ nhận thấy khi ta bị bệnh lao phổi. Ho nhiều sẽ gây ra ức chế lên phế quản, gây ra tình trạng khó thở, đau ngực, nhất là khi phổi đang bị tổn thương thì khả năng trao đổi khí sẽ càng khó khăn hơn.

  • Giảm; sụt cân

Là triệu chứng thường gặp ở số đông người lao phổi. Những người bệnh gầy, sụt cân không rõ nguyên nhân, không phải do tiêu chảy, suy dinh dưỡng, nhiễm HIV/AIDS… nhưng có các triệu chứng hô hấp như đã nêu trên phải nghĩ ngay tới lao phổi.

  • Sốt

Là triệu chứng hay gặp ở người lao phổi. Sốt có thể ở nhiều dạng: sốt cao, sốt thất thường nhưng hay gặp nhất là sốt nhẹ hay gai lạnh về chiều. Những người có triệu chứng sốt như trên cùng với các triệu chứng về hô hấp như ho, khạc đờm, ho ra máu… phải nghĩ tới do lao phổi.

  • Ra mồ hôi

Là triệu chứng có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Trong lao phổi, ra mồ hôi là do rối loạn thần kinh thực vật mà người ta thường hay gọi là ra mồ hôi trộm, ở trẻ em triệu chứng này dễ nhận thấy nhất.

  • Chán ăn, mệt mỏi

Là dấu hiệu rất phổ biến, có thể do tác động tâm lý, tình trạng sức khỏe, căng thẳng, stress gây nên các ức chế khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, thiếu ngủ không muốn ăn uống. Nhiều người bỏ qua dấu hiệu quan trọng này.

ThS. Nguyễn Kiên Cường - Y học Dự phòng - Viện Y học dự phòng Quân đội cho biết: 

Để phòng tránh lây nhiễm bệnh lao chúng ta cần chú ý:

Người bệnh cần mang khẩu trang khi tiếp xúc với người khác, người chăm sóc cũng cần chú ý đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh.

Người bệnh không được khạc nhổ bừa bãi, mà cần phải có ống nhổ riêng, đờm khạc ra phải được đạy kín và đem tiêu hủy, tránh để bừa bãi, có thể phát tán mầm bệnh

Không sử dụng chung đồ vật, quần áo, chăn màn, không ngủ chung mà nên sắp xếp ngủ riêng, có phòng riêng. Đồ dùng của người bệnh như quần áo, chăn màn… tốt nhất hãy luộc sôi để diệt vi khuẩn lao trước khi giặt.

Thường xuyên vệ sinh nhà cửa tháng mát sạch sẽ, lau sạch nhà cửa với các hóa chất khử trùng như Cloramin B.

Quan trọng nhất trong phòng bệnh là điều trị khỏi hẳn nguồn lây, muốn vậy người bệnh phải kiên trì uống thuốc, đúng thuốc, đúng liều, và đủ thời gian theo quy định.

Nguồn: SKCD