Thông báo
Điều trị suy hô hấp
16:07 | 09/08/2017 - Hô hấp

Nguyên tắc xử trí suy hô hấp cấp

1. Xác định mức độ trầm trọng của suy hô hấp cấp và quyết định trình tự xử trí

Dựa vào:

+ Tính chất tiến triển của suy hô hấp cấp.

+ Mức độ của giảm ôxy máu, tăng cacbonic và axít máu.

+ Mức độ của các rối loạn sinh tồn xuất hiện cùng với suy hô hấp cấp: tim mạch, thần kinh...

Để quyết định chọn lựa:Dùng thuốc hay thông khí cơ học ngay?

Nếu bệnh nhân chỉ bị suy hô hấp cấp mức độ nặng (chưa có các rối loạn huyết động và thần kinh nghiêm trọng) thì chỉ cần đảm bảo đường thở, sử dụng thuốc, ôxy liệu pháp và theo dõi sát sự tiến triển.

Nếu bệnh nhân bị suy hô hấp cấp mức độ nguy kịch thì cần nhanh chóng thiết lập đường thở cấp cứu và tiến hành thông khí cơ học ngay, sau đó mới dùng thuốc hoặc phải sử dụng song song.

2. Đảm bảo đường thở

Là "chìa khóa", là công việc đầu tiên phải làm, phải xem xét cho tất cả các bệnh nhân cấp cứu, đặc biệt đối với suy hô hấp cấp ngay từ giây phút đầu tiên khi tiếp xúc.

+ Đặt bệnh nhân ở tư thế thuận lợi cho việc hồi sức và lưu thông đường thở:

- Nằm nghiêng an toàn cho bệnh nhân hôn mê chưa được can thiệp.

- Nằm ngửa cổ ưỡn cho bệnh nhân ngưng thở ngưng tim.

- Nằm Fowler cho bệnh nhân phù phổi, phù não và phần lớn các bệnh nhân suy hô hấp cấp.

+ Khai thông khí đạo hay thiết lập đường thở cấp cứu:

- Nghiệm pháp Heimlich cho bệnh nhân bị dị vật đường hô hấp trên.

- Đặt canun Guedel hay Mayo cho bệnh nhân tụt lưỡi.

- Móc hút đờm rãi, thức ăn ở miệng họng khi bệnh nhân ùn tắc đờm hay ói hít sặc.

- Đặt ống nội khí quản hay mở khí quản, thậm chí chọc kim lớn qua màng giáp nhẫn.

3. Điều trị giảm ôxy máu và tăng cacbonic

- Tiếp theo, sau khi đã đảm bảo đường thở, cần phải điều trị giảm ôxy máu bằng "Ôxy liệu pháp". Mục tiêu của ôxy liệu pháp là đảm bảo cung 60 mmHg, cấp ôxy cho mô một cách thích hợp, thường đạt được khi PaO2 90% (với điều kiện hematocrite và cung lượng tim hay SaO2 bình thường). Ôxy liệu pháp qua thông khí tự nhiên (sử dụng canun, catheter mũi, mask Venturi, mask không thở lại...) giúp tăng nồng độ ôxy trong khí hít vào (từ 24% đến xấp xỉ 90%) nếu không đạt được mục tiêu đề ra thì có chỉ định thông khí cơ học (nhân tạo) không xâm lấn (qua mask) hay xâm lấn (qua nội khí quản, mở khí quản).

- Sử dụng ôxy liệu pháp điều trị giảm ôxy máu ở bệnh nhân bị suy hô hấp cấp thể hypercapnia cần hết sức thận trọng, đặc biệt đối với nhóm bệnh nhân đợt cấp mất bù của suy hô hấp mạn vì có thể làm nặng thêm tình trạng toan hô hấp. Do vậy, nên bắt đầu từ lưu lượng thấp nhất rồi tăng dần có đánh giá, theo dõi khí máu trước khi quyết định gia tăng lưu lượng ôxy hít vào, nếu toàn trạng xấu dần hoặc pH< 7,30 thì cần xem xét chỉ định thở máy.

- Việc dùng bicacbonat (NaHCO3) để sửa chữa tình trạng nhiễm toan trong suy hô hấp cấp C cũng cần hết sức thận trọng và không được khuyến cáo, vì NaHCO3 không có tác dụng điều chỉnh nhiễm toan lâu dài trong khi có thể gây nhiễm toan nội bào và đặc biệt có thể gây nặng thêm tình trạng thiếu ôxy cho mô tế bào do làm tăng ái lực gắn kết của hemoglobin với ôxy.

- Ngược lại việc dùng một số thuốc antidote trong suy hô hấp cấp nghi ngờ do ngộ độc Heroin-Morphin (Naloxon) hay Benzodiazepine (Anexate) lại được khuyến cáo do tính vô hại và tác dụng ngoạn mục của thuốc nếu chẩn đoán là chính xác.

4. Điều trị nguyên nhân gây suy hô hấp cấp

Cần tiến hành điều trị nguyên nhân gây suy hô hấp cấp song song cùng với việc sửa chữa tình trạng giảm ôxy máu, tăng cacbonic gây nhiễm toan hô hấp nếu có thể nhằm rút ngắn thời gian điều trị (như trong suy hô hấp cấp do ngộ độc Heroin-Morphin hay Benzodiazepine, máu tụ ngoài màng cứng…), giảm thiểu những biến chứng của suy hô hấp cấp cũng như của việc kéo dài điều trị suy hô hấp cấp gây ra.

Nguồn: Songkhoe.vn

Tin cùng chủ đề