Thông báo
Nguyên nhân gây hôi miệng
11:37 | 01/03/2016 - Hô hấp

Hôi miệng có thể gây nên bởi các nguyên nhân chủ quan và khách quan như hút thuốc hay mắc các bệnh lý khác.

Súc miệng sau khi ăn giúp lấy thức ăn bám trong các kẽ răng, ngừa vi khuẩn gây hôi miệng. (Hình minh họa)

1. Vệ sinh răng miệng sai cách

Có thể xem cách mà bạn vệ sinh răng miệng là thước đo mức độ hôi miệng của bạn. Nếu bạn là người chú trọng vệ sinh răng miệng thì hẳn bạn sẽ chẳng bao giờ phải lo lắng vì mùi hôi hay các bệnh lý về răng khác. Ngược lại, nếu vệ sinh răng không đều đặn, không đúng cách, không sạch hết các mẩu thức ăn bám quanh răng và trong kẽ răng cộng với các bệnh quanh răng sẽ là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn phát triển và bám quanh răng. Nếu không được loại bỏ thì các vi khuẩn này sẽ tạo các mảng bám quanh chân răng, gây viêm răng lợi và làm hơi thở có mùi.

2. Viêm mũi, họng

Miệng, mũi, họng là 3 bộ phận có quan hệ mật thiết với nhau. Do đó,  chỉ cần 1 trong 3 bộ phận có vấn đề sẽ khiến 2 bộ phận khác gặp rắc rối, ví dụ như hôi miệng. Hôi miệng có thể xảy ra khi mũi hoặc họng bị viêm. Mũi bị viêm tạo ra các chất dịch viêm, mủ chảy xuống khoang mũi sau làm hơi thở hôi. Những viêm nhiễm của hầu họng như viêm amida, viêm họng hạt, viêm loét thanh-khí-phế quản, bệnh lý bẩm sinh của khoang mũi miệng như hở hàm ếch…cũng là điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở và làm hơi thở hôi. 

3. Ăn thực phẩm gây hôi miệng

Những loại thực phẩm như tỏi, hành là thủ phạm gây hôi miệng hàng đầu mà bạn nên tránh. Sau khi được tiêu hóa, những loại thực phẩm có mùi hăng cay này vào máu và được thải trừ qua phổi làm hơi thở hôi cho đến khi những chất này được thải trừ hết.

4. Do các bệnh lý khác

Các bệnh lý về gan, thận có thể khiến hơi thở của miệng có mùi hôi. Cụ thể, các bệnh gan thận làm hơi thở có mùi cá; người xơ gan, suy giảm chức năng gan cũng có mùi xê tôn và mùi chua của rượu; hội chứng trào ngược dạ dày-thực quản cũng thường làm hơi thở có mùi chua của dịch vị.

5. Miệng khô

Uống đủ nước giúp phòng tránh hôi miệng. (Hình minh họa)

Nước bọt có vai trò làm sạch khoang miệng và có chứa một số kháng thể có khả năng diệt khuẩn. Khi được tiết ra miệng và được nuốt thường xuyên sẽ khiến cho vi khuẩn khó phát triển trong miệng. Vào ban đêm, khi ngủ, lượng nước bọt tiết ra rất ít, thậm chí bằng không nên gây khô miệng và ứ đọng làm vi khuẩn phát triển nên miệng thường có mùi hôi vào buổi sáng khi ngủ dậy. Vì vậy, cách tốt nhất là bạn nên uống đủ nước mỗi ngày và bạn nên tập thói quen không há miệng khi ngủ.

6. Hút thuốc

Hút thuốc làm hơi thở hôi ở hai lý do: hút thuốc gây khô miệng, gây nhiều viêm nhiễm trong khoang miệng như viêm quanh răng, viêm lợi, viêm lưỡi, viêm xoang. Khói thuốc lá, thuốc lào cũng chứa nhiều hợp chất mà khi bám quyện với nước bọt tạo mùi rất hôi.

Để phòng tránh hôi miệng, các chuyên gia khuyên bạn nên tập các thói quen như làm sạch thức ăn còn giắt trong kẽ răng bằng chỉ nha khoa hàng ngày; nạo sạch lưỡi vào buổi sáng; vệ sinh răng giả tháo lắp hoặc cầu răng ít nhất một lần/ngày; uống đủ nước để đảm bảo đủ lượng nước bọt tiết ra hoặc có thể nhai kẹo cao su kích thích tiết nước bọt làm sạch khoang miệng; điều chỉnh chế độ ăn, bỏ rượu, thuốc lá; dùng bàn chải thích hợp và nên tới nha sĩ để khám răng miệng định kỳ./.

Nguồn: SKCĐ

Tin cùng chủ đề