Thông báo
Bế tinh dễ bị vô sinh
14:27 | 09/07/2017 - Sinh Lý

Biểu hiện dễ thấy nhất của chứng bệnh trên là không thấy tinh dịch.

Không ít ông chồng muốn chứng minh sức mạnh với vợ, cố kiềm chế xuất tinh càng lâu càng tốt để giúp vợ lên ‘đỉnh’ nhưng ác thay, điều này đã gây ra hiện tượng vô sinh…

‘Yêu’ vợ sai cách

Bác sĩ Nguyễn Bá Hưng, Phòng khám Nam khoa, Trung tâm Ánh sáng và Phát triển cộng đồng Hà Nội, cho biết hội chứng ‘binh lính rủ nhau phản tướng’ ngày càng gia tăng, đặc biệt trong giới trẻ. Một phần do thủ dâm sai cách, số khác muốn duy trì bản lĩnh đàn ông càng lâu càng tốt nên đã cố gắng kiềm chế không xuất tinh, hoặc kiềm chế xuất tinh để tránh thụ thai, khiến ‘tinh binh’ không ‘xuất trận’ mà đi ngược vào bàng quang, dẫn tới tình trạng xuất tinh ngược dòng và gây vô sinh cho thân chủ. ‘Có những cặp vợ chồng ‘thả’ mãi chẳng có con chỉ vì anh chồng luôn muốn giữ thành tích ‘kéo dài’ của mình. Cứ mỗi lần định ‘xuất’, anh lại tìm mọi cách kìm lại, chỉ khi vợ hoàn toàn thỏa mãn, anh mới nhớ tới mình’- bác sĩ Hưng kể.

Ảnh minh họa

Theo GS-TS Đỗ Trọng Hiếu, nguyên vụ trưởng Vụ Sức khỏe sinh sản (Bộ Y tế), đây là hiện tượng xảy ra ở một số nam giới. Khi bị chứng này, người đàn ông vẫn có thể cảm nhận được cảm giác ‘lên đỉnh’ khi gần vợ. Tuy nhiên, họ không hề thấy bóng dáng ‘tinh binh’ phóng ra ngoài. Đó là do đội quân đã ‘phản chủ’, đi ngược vào bàng quang. Biểu hiện dễ thấy nhất của chứng bệnh trên là không thấy tinh dịch. Sau khi giao hợp, nước tiểu có lẫn những lợn cợn màu trắng đục. Tình trạng này kéo dài tuy không gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng có thể khiến các cặp vợ chồng khó thụ thai và đặc biệt là ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý người chồng (luôn lo lắng, mất tự tin, ngại giao tiếp…).

‘Ngựa quen’ khó chữa

Giải thích lý do ‘tinh binh’ đi ngược, bác sĩ Nguyễn Bá Hưng cho biết trong cấu tạo cơ thể người nam, đường dẫn nước tiểu và đường ra của tinh dịch chung nhau. Nhưng để 2 đường này không lẫn lộn thì có 1 van ngăn giữa túi đựng tinh trùng và bàng quang. Van này hoạt động rất nhịp nhàng. Khi có kích thích, tinh dịch được tiết ra và bị nén chặt trong phần sâu của ống tiểu (niệu đạo) vì cả 2 van trong (cơ vòng trong) và van ngoài (cơ vòng ngoài) bị khóa chặt. Khi xuất tinh, van ngoài mở ra đột ngột, van trong vẫn khóa nên tinh trùng được phóng mạnh ra ngoài.

Do đó, kìm nén xuất tinh, kể cả khi dùng tay ghìm chặt dương vật nhưng chỉ bóp được van ngoài nên không thể ngăn được sự xuất tinh. Lúc này tinh dịch từ bên trong sâu, chạy ra ngoài dương vật, rồi bị dội ngược lại, có thể kéo theo vi trùng từ đoạn bên ngoài của ống tiểu chui ngược vào bên trong, chui vào các lỗ của ống dẫn tinh, ống túi tinh đang mở to, gây viêm túi tinh, viêm mào tinh, tinh hoàn, tinh dịch có mủ hôi.

Đặc biệt, nguy hại là áp lực bên trong lòng ống tiểu tăng cao quá có thể làm van trong (chặn giữa bàng quang và ống tiểu) bị hở, gây xuất tinh ngược dòng vào bàng quang. Ngoài ra, áp lực quá cao trong ống tiểu còn làm các cơ gây xuất tinh (cơ hành hang) mau bị nhão, lâu dần chẳng những tinh không xuất nổi (gây vô sinh) mà cương dương cũng có thể giảm sút. 

GS Hiếu nhấn mạnh có nhiều nguyên nhân gây xuất tinh ngược dòng như do rối loạn về phân phối và chức năng của ống phóng tinh, cơ hành hang và ngồi hang; do tổn thương thần kinh, cột sống tủy, bị bệnh đái tháo đường hoặc dùng một số thuốc điều trị tăng huyết áp, rối loạn tâm thần... nhưng nhiều nhất là do việc kìm nén xuất tinh. Khi bị kìm nén, không còn đường ra buộc lòng những tinh binh phải tìm đường khác để... xuất. Chúng sẽ đi ngược trở lên bàng quang gây xuất tinh ngược dòng. Nếu kéo dài tình trạng này, chủ nhân vô tình tạo thói quen di chuyển của ‘tinh binh’, dẫn đến vô sinh.

Khó điều trị

Theo các chuyên gia, việc điều trị sẽ rất khó khăn. Nếu nguyên nhân do bệnh, bác sĩ sẽ điều trị, còn nếu do ảnh hưởng của thuốc, bác sĩ sẽ can thiệp ngưng thuốc, đổi thuốc... nhưng khó nhất là kéo lại thói quen di chuyển của tinh binh và can thiệp bằng cách dùng thuốc giúp đóng cơ cổ bàng quang khi ‘xuất quân’.

Nguồn: Songkhoe.vn

Tin cùng chủ đề