Thông báo
Bí quyết ăn uống an toàn để tránh xa sán xơ mít
11:30 | 08/06/2018 - Tiêu hóa

Các chuyên gia khuyến cáo, để tránh nguy cơ nhiễm sán dây và các loại ấu trùng giun sán khác, cần tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc ăn chín uống sôi; vệ sinh cá nhân và khu vực sinh sống sạch sẽ, hạn chế tiếp xúc với những nơi môi trường bị ô nhiễm để tránh rước bệnh vào người.


Các chuyên gia khuyến cáo, để tránh nhiễm giun sán, cần tuân thủ nguyên tắc ăn chín uống sôi. tranh minh họa


“Sống chung” với sán dài 12m suốt 9 năm

Mới đây, thông tin Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (tỉnh Quảng Nam) vừa tiến hành xổ thành công con sán xơ mít có chiều dài gần 12m ký sinh trong cơ thể một bệnh nhân nữ ở TP Đà Nẵng khiến nhiều người hoang mang. Theo đó, bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, người gầy gò, xanh xao. Qua khám và xét nghiệm phân, các bác sĩ của bệnh viện chẩn đoán bệnh nhân nhiễm sán xơ mít nên tiến hành cho bệnh nhân uống thuốc xổ. Khoảng 30 phút sau, người này đi ngoài ra một con sán xơ mít có chiều dài gần 12m và được dự đoán đã sống ký sinh trong cơ thể người bệnh khoảng 9 năm.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức tiến hành xổ sán xơ mít ra khỏi cơ thể người bệnh. Theo thống kê tại đơn vị này, chỉ tính từ tháng 4/2017, bệnh viện đã tiến hành xổ thành công 5 trường hợp nhiễm sán xơ mít trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận.

Theo các chuyên gia tại Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương, sán xơ mít là tên gọi khác của sán dây, bao gồm 2 loại là sán dây lợn và sán dây bò. Bệnh sán dây có thể ký sinh ở người dưới hình thức ấu trùng và sán trưởng thành. Đối với bệnh ấu trùng, tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau như có các nốt ở dưới da bằng hạt gạo, hạt đỗ không gây ngứa, không đau; hoặc nặng hơn, người bệnh có thể bị liệt tay, chân hay liệt nửa người, nói ngọng, đau đầu dữ dội…

Còn với người mắc sán dây trưởng thành, các triệu trứng chủ yếu thường là đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ. Người nhiễm bệnh nặng có thể thấy những đốt sán rụng ra theo phân hoặc “tự bò” ra ngoài hậu môn trong sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là trong khi ngủ.

Khi nhiễm sán, cơ thể bị tác động một cách âm ỉ kéo dài ảnh hưởng tới sức khỏe và tình trạng dinh dưỡng, thể chất, tinh thần và trí tuệ, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng người bệnh. Tùy thuộc vào sự phát triển của con sán để xác định mức độ gây hại đến sức khỏe con người. Thông thường, tác hại có thể thấy rõ ở một người bị nhiễm sán là cơ thể sẽ bị những con sán này “hút” hết chất dinh dưỡng dẫn đến gầy gò, xanh xao, suy dinh dưỡng…

Tuyệt đối tuân thủ ăn chín uống sôi

Theo thống kê, hiện nay, ở Việt Nam tỷ lệ nhiễm sán dây đường ruột chiếm từ 0,5 đến 12%. Con đường lây nhiễm sán dây chủ yếu qua các loại thực phẩm chưa được nấu chín (nhất là các món gỏi, tái, nướng) và vệ sinh cá nhân không đảm bảo hàng ngày. Trong đó, sán dây lợn là một trong những nguyên nhân chủ yếu. ThS.BS Nguyễn Trung Cấp – Phó trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho biết: Trứng và ấu trùng của sán dây trong cơ thể con lợn thường tập trung ở phần thịt bắp, gân, mỡ và tiết lợn. Do đó, thói quen ăn các món gỏi, tái chế biến từ thịt lợn rất dễ có nguy cơ nhiễm sán. Đặc biệt, món tiết canh lợn được coi là món “khoái khẩu” của nhiều người nhưng cũng chính là “thủ phạm” rước các ấu trùng sán dây lợn gây hại cho cơ thể.

Bên cạnh đó, ấu trùng sán dây lợn cũng lây lan nhanh ở những vùng có sử dụng phân tươi hoặc phân ủ chưa đủ ngày để tưới trực tiếp lên các loại rau củ quả. Do đó, nếu ăn phải các loại rau được tưới bón dưới hình thức trên, nguy cơ nhiễm sán dây lợn cũng rất cao.

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, khi bị nhiễm sán dây lợn, nếu chúng ký sinh tại não người, có thể gây động kinh, co giật, liệt, nói ngọng làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh như mất trí nhớ, đau đầu, buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt, nặng hơn có thể liệt tứ chi, viêm màng não mãn tính. Nếu ký sinh ở mắt có thể gây mù mắt.

Bên cạnh sán dây lợn, sán dây ký sinh trong cơ thể trâu, bò (sán dây bò) cũng là tác nhân gây bệnh quan trọng. Do đó, người dùng cũng cần cảnh giác với các món phở bò tái, nộm thịt bò/trâu để tránh gây hại cho sức khỏe.

Để phát hiện và điều trị sán dây, các chuyên gia khuyến cáo, khi thấy cơ thể có các biểu hiện rõ ràng như hay xuất hiện các đốt sán kèm theo phân khi đi ngoài hoặc rụng ra ngoài trong quá trình tắm, khi ngủ, cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được làm xét nghiệm kiểm tra. Hoặc khi thấy những dấu hiệu khác như cơ thể thường xuyên mệt mỏi, gầy gò, xanh xao; hay xuất hiện các cơn đau bụng nhẹ… cũng nên nghĩ ngay đến trường hợp đi khám để được phát hiện bệnh sớm.

Để điều trị sán dây, có thể áp dụng cả Tây y và Đông y. Tuy nhiên, lựa chọn phương pháp nào cần có sự chỉ định của bác sĩ, không tự ý thực hiện tại nhà. Không nên tẩy sán đối với người có thể trạng yếu, phụ nữ mang thai, người bị suy tim, suy thận. Sau 3 tháng tẩy sán không thấy xuất hiện đốt sán bò ra ngoài mới thành công.

Để phòng bệnh hiệu quả đối với các bệnh lây nhiễm giun sán nói chung và sán dây nói riêng, cần tuân thủ nguyên tắc ăn chín uống sôi. Hạn chế ăn các loại thịt tái sống, nguy cơ chứa ấu trùng sán cao. Khi ăn rau sống, cần rửa sạch nhiều lần dưới vòi nước, ngâm nước muối sạch để loại bỏ trứng giun sán. Đối với bà con nông dân, không nên dùng phân tươi để tưới rau để tránh reo rắc mầm bệnh ra môi trường. Bên cạnh đó, rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn uống và sau khi đi vệ sinh để tránh nhiễm bệnh.
Cách chế biến loại bỏ ấu trùng giun sán trong hải sản

Các chuyên gia khuyến cáo, mùa hè, nhiều người thường có thói quen ăn các loại hải sản tươi sống. Tuy nhiên, đây là nguồn thực phẩm có nguy cơ chứa các ấu trùng giun sán rất cao. Do đó, để giữ được các giá trị dinh dưỡng mà vẫn đảm bảo không “rước” ấu trùng giun sán vào trong cơ thể, tốt nhất phải sơ chế cẩn thận các loại hải sản trước khi ăn.
Khi sơ chế cá biển, nên loại bỏ nội tạng cá vì ấu trùng giun sán trong cá thường tồn tại dưới dạng giun xoắn hoặc cuộn chặt không màu thành các ổ tròn bên trong nội tạng. Với cua biển, cần rửa sạch bằng cách lấy bàn chải cọ sạch các vật bẩn ở chân và càng cua hoặc ngâm cua vào trong nước muối khoảng vài tiếng, sau đó đem ra để ráo nước. Các loại hải sản như nghêu, sò, ốc... nên được rửa sạch rồi ngâm trong nước khoảng 3-5 tiếng để chúng nhả hết cát và các chất bẩn bên trong rồi mới chế biến.
Các loại hải sản sau khi đã sơ chế cẩn thận cũng phải được nhúng chín (các thớ thịt săn lại, không còn các tia máu đỏ) khi ăn lẩu hoặc đặt trên nhiệt độ cao đối với các món nướng hải sản. Không nên ăn hải sản chưa chín kỹ vì dễ gây đau bụng và tăng nguy cơ nuốt phải các ấu trùng giun sán gây hại cho cơ thể.

Theo skcd.com.vn