Thông báo
Cách xử trí khi bị ngộ độc thực phẩm ai cũng cần biết
11:03 | 16/05/2018 - Tiêu hóa

Mùa hè đến, khí hậu nóng bức ngột ngạt gây khó chịu và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con người. Một trong những sự nguy hiểm đó là ngộ độc thức ăn.

Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm

Ngộ độc thức ăn thường do ăn phải thực phẩm bị nhiễm độc ngay từ trước khi chế biến như mới phun thuốc trừ sâu, sử dụng hoá chất bị cấm khi nuôi trồng thực phẩm, đựng thực phẩm trong túi nylon bẩn hoặc làm bằng nhựa tái chế…

Ngộc độc thực phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng (Ảnh minh họa)

Thực phẩm cũng dễ bị nhiễm khuẩn trong khi chế biến thức ăn như: Để lẫn lộn thức ăn sống - chín, dùng chung dao thớt cho cả hai loại thức ăn đó, dao thớt không rửa kỹ sau khi dùng, người chế biến không rửa tay sạch sẽ trước khi tiếp xúc với thực phẩm…

Thức ăn đã nấu chín nhưng bảo quản không tốt cũng sẽ bị nhiễm khuẩn trong trường hợp như: Để thức ăn lâu ngày ở nhiệt độ thường, sử dụng thức ăn đã bị ôi thiu, không đun sôi thức ăn thừa trước khi cất giữ và trước khi ăn…

Ngộ độc thức ăn còn do một số nguyên nhân khác như thay đổi thời tiết, kết hợp những loại thức ăn đối kháng nhau…

Triệu chứng ngộ độc thực phẩm

Ngộ độc thức ăn có thể xảy ra ngay sau khi ăn hoặc sau đó từ vài phút đến vài giờ với các biểu hiện: Đau quặn bụng, mót rặn, muốn đi ngoài liên tục, nôn hoặc buồn nôn (nôn ra thức ăn vừa ăn hoặc chỉ nôn khan, nôn ra mật), tiêu chảy (đi ngoài nhiều lần, phân nhiều nước có thể lẫn nhày, lẫn máu). Toàn thân thể hiện tình trạng mất nước (mắt trũng sâu, da nhăn nheo, nước tiểu ít), trụy tim mạch (mạch nhanh, huyết áp tụt, chóng mặt, người mệt lả), rối loạn thần kinh (đau đầu, co giật), rối loạn thân nhiệt (sốt hoặc hạ nhiệt độ).

Tuỳ theo sức đề kháng của từng người, tính chất của độc tố trong thức ăn mà ngộ độc biểu hiện với những mức độ khác nhau, có thể chỉ có một hoặc một vài triệu chứng đã kể trên nhưng cũng có thể bao gồm toàn bộ các triệu chứng. Tuy nhiên, đối với người cao tuổi, phụ nữ có thai và trẻ nhỏ thì dấu hiệu ngộ độc thường nặng hơn so với người bình thường ở cùng hoàn cảnh, vì vậy những đối tượng này cần phải được theo dõi chặt chẽ để xử trí kịp thời.

Thái độ xử trí khi ngộ độc thực phẩm

Khi có dấu hiệu sớm nhất của ngộ độc thức ăn hoặc chỉ là nghi ngờ do ngộ độc thức ăn thì phải ngừng ngay việc sử dụng thức ăn đó và giữ chúng lại để làm xét nghiệm chẩn đoán.

Tại nhà, có thể móc họng kích thích cho bệnh nhân nôn ra thức ăn rồi nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để có biện pháp xử trí. Tại cơ sở y tế thì việc cần làm ngay là loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể càng sớm càng tốt bằng mọi cách (gây nôn, rửa dạ dày, dùng thuốc tẩy, thuốc lợi tiểu…).

Chú ý nếu ngộ độc thức ăn do nguyên nhân xăng dầu, thuốc trừ sâu, hoá chất thì nhất định không được gây nôn vì sẽ gây trào ngược chất nôn vào phổi; biện pháp khắc phục trong những trường hợp này là hấp thụ chất độc bằng than hoạt có tác dụng gắn giữ không cho chất độc thấm vào máu. Sau đó cho bệnh nhân uống sulfate magnesium, sorbitol là thuốc kết hợp với chất độc tạo thành chất không độc và thải trừ qua phân. Bù trừ lượng nước và điện giải đã bị mất do nôn và đi ngoài nhiều lần bằng cách cho bệnh nhân uống nhiều nước, tốt nhất là nước oresol, nếu không có oresol thì thay bằng nước cháo muối, nước dừa, nước cam…

Cho bệnh nhân ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, ăn nhiều bữa, trẻ đang bú mẹ vẫn cho bú bình thường nhưng mẹ phải tránh ăn các thức ăn nghi gây ngộ độc cho con.

Cách phòng chống ngộ độc thực phẩm

Ảnh minh họa

Thận trọng trong tất cả các công đoạn liên quan đến an toàn thực phẩm.

Chỉ chọn mua những thực phẩm ở những địa chỉ tin cậy, thực phẩm còn tươi sống, không dập nát, ôi thiu.

Kiên quyết loại bỏ ngay những thức ăn nghi ngờ có nguy cơ gây ngộ độc và những thức ăn lạ. Rửa sạch tay và thực phẩm trước khi nấu nướng.

Có riêng dụng cụ để chế biến, chứa đựng đồ ăn sống và đồ ăn chín.

Cần lưu ý những thức ăn đối kháng nhau để tránh không kết hợp chúng khi chế biến.

Các loại thức ăn sống, tái cần được bảo quản và chế biến theo đúng quy trình vệ sinh: Rửa dưới vòi nước sạch, nếu có điều kiện thời gian thì nên ngâm thực phẩm đã rửa trước khi nấu trong thuốc tím hoặc nước muối nhạt hơn nêm vào canh một chút là được trong khoảng 25 - 30 phút, vẩy cho khô ráo trước khi ăn.

Khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn chin nhất định phải dùng đũa sạch và găng tay vô trùng. Chỉ bày đồ ăn lên bàn ngay trước bữa ăn, nếu phải bày biện trước thì phải đảm bảo vệ sinh, có che phủ.

Những người có sức đề kháng kém (người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, người đang ốm) không nên ăn loại thức ăn ở dạng sống, tái, gỏi.

Thường xuyên vệ sinh nhà bếp, nhà ăn và tiêu diệt các loại côn trùng, chuột bọ gây bệnh.

Theo skcd.com.vn