Thông báo
Rối loạn nhịp tim nguy hiểm thế nào?
10:52 | 24/08/2017 - Tim mạch
Rối loạn nhịp tim là một trong những vấn đề thường gặp nhất trong các biểu hiện bệnh tim mạch.

Rối loạn nhịp tim là một trong những vấn đề thường gặp nhất trong các biểu hiện bệnh tim mạch. Nó có thể chỉ gây ra một sự khó chịu nhẹ cho người bệnh, nhưng cũng có khi là một tình trạng bệnh lý nặng, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Bình thường, ở người khỏe mạnh, quả tim đập với tần số khoảng 70 lần hay chu kỳ/ phút. Khi cơ thể ở trạng thái nghỉ ngơi, quả tim đập chậm lại và khi cơ thể hoạt động, nhất là khi phải gắng sức nhiều, quả tim sẽ đập nhanh hơn để cung cấp ôxy cho hệ thống các bắp cơ. Tim hoạt động được một cách nhịp nhàng như vậy là nhờ có một hệ thống thần kinh tự động đặc biệt.

 

Biểu hiện của rối loạn nhịp tim rất đa dạng: có thể là nhịp tim quá chậm, quá nhanh, hoặc không đều, hoặc là khi các buồng tim không co bóp đồng bộ với nhau, hoặc là khi xuất hiện ổ phát xung động bất thường gây ra nhịp ngoại tâm thu hay các cơn tim nhanh... Rối loạn nhịp tim có thể ảnh hưởng tới chức năng bơm máu của tim và gây nên các biểu hiện như mệt hoặc ngất xỉu, đánh trống ngực... thậm chí có khi gây tử vong (ngừng tim).

Nguyên nhân nào gây loạn nhịp?

Nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân. Ngoài ra, stress, thiếu ngủ, các chất kích thích như cà phê, trà, thức uống có gas, thuốc lá, sôcôla, rượu, một số loại thuốc chữa bệnh, tình trạng rối loạn chất muối và điện giải trong máu, bệnh lý thực tổn hệ tim mạch (bệnh van tim, bệnh động mạch vành, bệnh cơ tim…) đều có thể gây ra loạn nhịp.

Các triệu chứng của loạn nhịp tim

Nhiều rối loạn nhịp tim không gây triệu chứng. Khi nhịp tim quá chậm, người bệnh có thể bị chóng mặt hoặc ngất và xuất hiện các triệu chứng của suy tim như khó thở, phù mắt cá chân... Khi nhịp tim quá nhanh, các triệu chứng như trên cũng có thể xuất hiện do các buồng tâm thất không đủ thời gian giãn ra để đổ đầy máu.

Đánh trống ngực: là khi bạn cảm thấy quả tim mình đang đập nhanh và mạnh. Đây là biểu hiện thường gặp nhất của loạn nhịp tim, mặc dù dấu hiệu này có thể xuất hiện ngay cả khi quả tim đang làm việc hoàn toàn bình thường. Đánh trống ngực do rối loạn nhịp tim có thể được mô tả rất khác nhau:

Cảm giác “hẫng hụt”, xuất hiện khi có một nhát bóp đến sớm. Vì nhát bóp đến quá sớm nên tim không kịp giãn ra để nhận máu trở về. Hậu quả là nhát bóp của tim sau đó chỉ bơm được một lượng máu rất ít khiến người bệnh cảm thấy hẫng hụt.

Cảm giác tim bị ngưng vài giây, thường theo sau bởi một nhịp đập mạnh, đôi khi như thể bị “đấm” vào ngực. Đây là biểu hiện của một lượng máu lớn được bơm ra khỏi quả tim sau thời gian đổ đầy tim dài hơn bình thường do tim ngưng đập trong chốc lát.

Nhiều cảm giác “hẫng hụt” liên tiếp, có thể đều hoặc không đều.

Nhìn chung không thể xác định được chính xác loại rối loạn nhịp tim nếu chỉ dựa vào cảm giác đánh trống ngực. Hơn nữa, đôi khi một người có thể có nhiều loại loạn nhịp khác nhau và thông thường người bệnh không thể phân biệt được sự khác nhau rõ ràng giữa các rối loạn nhịp tim.

Cảm giác tim đập nhanh: nhiều người mô tả đó là cảm giác tim đập “thình thịch” hay “đánh trống ngực liên hồi”… thường gặp trong rối loạn nhịp tim nhanh đặc biệt là các cơn tim nhanh kịch phát.

Đau ngực: nhiều rối loạn nhịp tim gây ra cảm giác đau ngực. Đây là dấu hiệu nguy hiểm và bạn cần phải đi khám bệnh ngay. Rối loạn nhịp tim trên nền bệnh lý hẹp động mạch vành (động mạch cung cấp máu cho cơ tim) thường gây ra hoặc làm nặng thêm triệu chứng đau thắt ngực từ trước.

Mệt và khó thở: đây là biểu hiện thường gặp của nhiều loại rối loạn nhịp tim, đặc biệt là khi các rối loạn nhịp tim nguy hiểm và kéo dài làm giảm cung lượng tim (suy tim). Tuy nhiên cũng cần hết sức lưu ý mệt và khó thở cũng là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhau.

 

Cần phải làm gì khi bị đánh trống ngực?

Hãy đến gặp bác sĩ nếu đánh trống ngực kéo dài và kèm theo các triệu chứng khác (sẽ được liệt kê ở dưới). Cho dù nguyên nhân gây đánh trống ngực là gì, những điều dưới đây là cách đơn giản có thể giúp bạn cải thiện được triệu chứng: Đó là, giữ gìn vệ sinh thân thể có vai trò rất quan trọng, tránh stress, nghỉ ngơi đầy đủ, tập luyện thể dục (tốt nhất là dưới sự tư vấn của bác sĩ); Tránh dùng các chất kích thích: rượu, thuốc lá, cà phê...; Kiểm tra lại những thứ thuốc đang sử dụng, nhiều loại thuốc chữa bệnh có thể gây các rối loạn nhịp, thậm chí rối loạn nhịp tim nguy hiểm. Ngay cả các thuốc dùng để chữa rối loạn nhịp cũng có thể gây ra các rối loạn nhịp; Theo dõi sát diễn biến các triệu chứng và nên sớm thu xếp đi gặp bác sĩ, không nên tự chẩn đoán bệnh.

Đánh trống ngực rất thường gặp ở mọi người. Nhìn chung, đây là dấu hiệu lành tính và không cần phải điều trị nếu xuất hiện không thường xuyên và không kèm theo các triệu chứng nặng nề khác. Trong những trường hợp dưới đây, bạn cần đi khám bệnh: Đánh trống ngực kèm theo cảm giác chóng mặt hoặc choáng ngất, thể hiện tình trạng lưu lượng tim bị sút giảm; Đánh trống ngực kèm theo khó thở, đau ở ngực, cổ, vai, cánh tay hoặc ở lưng; Đánh trống ngực xuất hiện khi bạn mới sử dụng một loại thuốc nào đó; Đánh trống ngực xuất hiện đồng thời với các triệu chứng khác như sút cân, mệt mỏi kéo dài và đánh trống ngực kèm theo đau đầu và vã mồ hôi...

Tin cùng chủ đề