Thông báo
Phòng viêm não Nhật bản mùa nắng nóng
15:15 | 09/07/2016 - Tổng hợp

Dễ nhầm lẫn với các bệnh thông thường khác

Viêm não Nhật bản là dịch bệnh xảy ra quanh năm ở hầu hết các địa phương. Tuy nhiên, số người mắc thường có xu hướng tăng vào mùa nắng nóng từ khoảng tháng 5 đến tháng 8, đặc biệt là đối với bệnh viêm não Nhật Bản. Do đây là thời gian thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với virus đều có thể mắc bệnh, nhưng chủ yếu thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi.

Đáng chú ý, hầu hết bệnh nhân thường nhập viện trong tình trạng có biến chứng nặng do không được phát hiện kịp thời. Sở dĩ có những trường hợp mắc nặng là do bệnh viêm não Nhật Bản có biểu hiện ban đầu dễ nhầm lẫn với các chứng bệnh thông thường như cảm, sốt virus, chỉ đến khi tình trạng bệnh kéo dài, uống thuốc không đỡ người nhà mới cho đi viện thì bệnh đã tiến triển nặng và biến chứng nguy hiểm.

Bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền, thời kỳ ủ bệnh từ 5 đến 15 ngày. Mới đầu, khoảng thời gian từ 1 đến 6 ngày sau khi bị virus xâm nhập, bệnh khởi phát đột ngột với các triệu chứng như sốt, đau đầu, buồn nôn và nôn khan. Khi bệnh chuyển sang giai đoạn toàn phát, người bệnh sốt cao liên tục 38-40 độ C xuất hiện những dấu hiệu ở màng não (cứng gáy, dấu hiệu Kerning) và rối loạn thần kinh thực vật như co cứng cơ, co vặn, co giật, động cơn, run, liệt nửa người, mất vận động ngôn ngữ. Trường hợp bệnh tiến triển nặng, người bệnh nguy cơ tử vong cao còn nếu sống sót có thể để lại các di chứng thần kinh tâm thần.

Phát hiện sớm, điều trị kịp thời là cách phòng bệnh tốt nhất

Qua các nghiên cứu cho thấy, trẻ bị viêm não nếu được phát hiện và điều trị sớm, tỷ lệ thành công chiếm 94%, số trường hợp có di chứng chỉ chiếm 6%. Còn trong trường hợp bệnh nhân đến muộn sau 3-5 ngày khởi phát bệnh, tỷ lệ khỏi bệnh giảm chỉ còn khoảng 70% và tỷ lệ di chứng, tử vong lên tới gần 30%.

Hiện nay, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh viêm não Nhật Bản. Việc điều trị chủ yếu vẫn là hồi sức cấp cứu và điều trị triệu chứng như chống phù não, an thần chống co giật, kiểm soát nhiệt độ, hỗ trợ tuần hoàn, hô hấp, ngăn ngừa bội nhiễm và dinh dưỡng, chống loét...Vì vậy, việc phòng tránh bệnh là rất quan trọng.

Để chủ động phòng chống bệnh bệnh viêm não Nhật bản, Cục Y tế dự phòng cũng đã khuyến cáo 5 biện pháp phòng bệnh: Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy; Khi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi; không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc; Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín; Thực hiện tốt việc cách ly cũng như hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh.

Việc thực hiện tiêm vắc xin viêm não Nhật bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, nếu chỉ tiêm 1 mũi vắc xin thì không có hiệu lực bảo vệ, nếu tiêm đủ 2 mũi vắc xin hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%, tiêm đủ 3 mũi vắc xin hiệu lực bảo vệ đạt 90 - 95% trong khoảng 3 năm, do đó trẻ em cần tiêm chủng với 3 liều cơ bản sau: Mũi 1: lúc trẻ được 1 tuổi; Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần; Mũi 3: cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Đặc biệt, khi phát hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm thì cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám, hướng dẫn và phòng lây nhiễm cho người khác.

Theo Sức khỏe cộng đồng

Tin cùng chủ đề