Thông báo
Uống nước có đường tăng nguy cơ bị bệnh gút?
15:32 | 04/04/2020 - Xương Khớp

Một người tiêu thụ 300 ml nước có đường mỗi ngày sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh gút lên 13%, theo khuyến cáo của các nhà khoa học New Zealand.

Trong một công bố mới đây trên trang Xinhuanet, các nhà khoa học Viện nghiên cứu New Zealand khuyến cáo bệnh nhân gút nên đưa thức uống có đường vào danh mục những thực phẩm không nên dùng. Nó làm cho bệnh trở nặng, gia tăng cảm giác đau đớn và tê liệt ở người bệnh.

Thịt đỏ, hải sản và bia là những thực phẩm có nồng độ axit uric cao, gây ra các bệnh viêm khớp. Mới đây các nhà nghiên cứu của ĐH Otago và Auckland đã tìm thấy biến thể gene SLC2A9 trong cơ thể con người có thể giúp lọc và đào thải chất độc như axit uric trong máu ra ngoài và hỗ trợ cho quá trình bài tiết ở thận.

“Tuy nhiên, khi những biến thể gene này tương tác với đồ uống có đường, các chức năng vốn có của chúng sẽ bị đảo ngược. Thay vì đào thải axit uric ra ngoài thì biến thể gene SLC2A9 tiếp xúc với đường trong thức uống sẽ đẩy axit uric đi ngược vào trong máu và gây ra bệnh gút", phó giáo sư Tony Merriman, khoa Sinh hóa, ĐH Otago và Auckland nói.

“Đường không chỉ gia tăng axit uric trong máu thông qua gan mà còn xuất hiện khi bài tiết qua thận. Đây là một sự tương tác chưa từng được phát hiện trước đây". Vị phó giáo sư cũng khẳng định, một người tiêu thụ trung bình 300 ml thức uống có đường mỗi ngày thì tỷ lệ mắc bệnh gút sẽ tăng 13% so với người bình thường.

Bệnh gút xuất hiện khi axit uric trong máu kết tinh ở các khớp xương và gây viêm. Đây là hình thức phổ biến nhất của bệnh viêm khớp tại New Zealand, đặc biệt là đối với nam giới. Bệnh này liên hệ chặt chẽ với các bệnh tiểu đường, tim và thận. Qua nghiên cứu lần này, ông Tony khuyên, ngoài việc dùng thuốc theo quy định thì người bị bệnh gút nên tránh những thức uống có đường.