Thông báo
Những sai lầm khi chữa sổ mũi cho trẻ
15:47 | 11/08/2016 - Hô hấp

Chị Mĩ Anh có cậu con trai 4 tuổi, bé nhà chị cơ địa yếu, bé rất hay bị viêm họng, sổ mũi. Mỗi lần như vậy nếu không được thuốc thang kịp thời thì sẽ viêm họng thậm chí viêm phổi khiến chị rất lo lắng. Chị luôn tìm mọi cách một lần cô dược sĩ bán thuốc gần nhà chị mách mua thuốc nhỏ mắt dành cho trẻ sơ sinh về nhỏ cho con bé sẽ nhanh hết chảy mũi lắm.

Vậy là chị mua ngay một lọ về nhỏ cho con, nhưng một hai lần thì khỏi nhưng đến lần tiếp theo thì mãi chẳng khỏi, mà có biểu hiện nặng hơn. Khi đưa con đi khám các bác sĩ thông báo bé nhà chị đã bị tổn thương niêm mạc mũi cần điều trị bằng kháng sinh mới có thể khỏi được.

Hiện này không chỉ có một mình chị Mỹ Anh mới có thói quen chữa bệnh cho con theo kinh nghiệm truyền miệng, mà có rất nhiều chị em cũng có thói quen chữa bệnh không cần đơn cho con, gây nên nhiều hậu quả khó lường cho trẻ.

Nhỏ nước ép tỏi

Nhiều bà mẹ truyền nhau kinh nghiệm trộn nước ép tỏi với nước muối sinh lý nhỏ trị chứng hắt hơi sổ mũi, tuy nhiên đây là sai lầm của nhiều bà mẹ vì trong nước ép tỏi có chứa chất Allicin có tác dụng diệt nấm và vi trùng nhưng nước ép ỏi có thể làm bỏng rát niêm mạc mũi, gây nguy hiểm cho trẻ.

Khi niêm mạc mũi bị bỏng rộp, nếu không phát hiện điều trị sớm, có thể dẫn tới hoại tử. Hơn nữa, trẻ cũng sẽ khó thở bằng đường mũi mà buộc phải thở bằng miệng, không khí không được làm ấm dễ gây viêm họng, viêm phổi. Vì thế, tốt nhất không nên sử dụng nước tỏi ép để trị viêm mũi, sổ mũi cho trẻ.

Xịt nước muối sinh lý quá nhiều

Lạm dụng nước muối sinh lý là thói quen của nhiều bà mẹ, thậm chí cả khi bé không bị sổ mũi cũng nhỏ để tránh các bệnh về đường hô hấp, mà không biết rằng cũng như mũi người lớn mũi của trẻ cũng có cơ chế tự làm sạch.

Rửa mũi nhiều làm mất đi chất nhầy tự nhiên trong khoang mũi. Trong khi đó, chất nhầy này có tác dụng tạo độ ẩm, ngăn chặn bụi bẩn. Nếu mất đi chất nhầy này, trẻ càng dễ bị khô mũi, nhiễm khuẩn mũi, gây tổn thương niêm mạc mũi, dễ bị viêm hơn. Nếu dùng quá thường xuyên có thể làm teo niêm mạc mũi, ảnh hưởng đến chức năng thở, khứu giác.

Chỉ nên dùng nước muối sinh lý rửa sạch trước khi nhỏ thuốc trị ngạt mũi khi trẻ có triệu chứng ngạt mũi, sổ mũi, có nước mũi trong, mũi đặc… Nhưng cần lưu ý, trước khi nhỏ nước muối vào mũi, nếu trời lạnh các mẹ nên ngâm lọ nước muối sinh lý vào nước nóng cho ấm lên rồi nhỏ cho trẻ mỗi bên mũi chừng 1/3 – 1 lọ tuỳ theo độ tuổi. Rửa khoảng 3 – 4 lần/ngày.

Hút mũi cho trẻ bằng miệng

Có rất nhiều bà mẹ truyền tai nhau rằng, nếu hút mũi cho con bằng máy bé sau này có thể sẽ bị viêm tai giữa, nên khi thấy con sổ mũi là đưa miệng vào hút mũi cho con. Nhưng khi cha mẹ dùng miệng hút mũi bé thì mầm bệnh trong miệng sẽ lây cho em bé. Do đó, cách làm này sẽ lợi bất cập hại vì khiến bệnh của trẻ nặng thêm.

Ngoài ra, việc sử dụng hút mũi hay xilanh đưa nước vào khoang mũi cũng cần lưu ý. Nếu làm không đúng sẽ rất nguy hiểm, có thể làm trẻ sặc và nước sẽ tràn vào màng phổi. Mỗi lần chọc sâu ống hút vào mũi trẻ để hút thì áp lực ấy sẽ hút niêm mạc mũi lên. Nhiều lần làm sẽ gây phù nề niêm mạc mũi nhiều hơn mà nghẹt mũi vẫn kéo dài, không tốt cho trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi.

Lạm dụng thuốc nhỏ mũi

Rửa mũi nhiều làm mất đi chất nhầy tự nhiên trong khoang mũi Một sai lầm khác khi điều trị sổ mũi cho trẻ là lạm dụng các loại thuốc nhỏ mũi không theo chỉ định của bác sĩ, nhất là các loại thuốc có chứa corticoid, kháng sinh… khi chưa tìm nguyên nhân để điều trị.

Nếu lạm dụng thuốc co mạch có hoạt chất là Xylometazoline 0.05% – 0.1% (biệt dược Otilin, Otdin, Coldi-B…) trẻ dễ bị ngộ độc thuốc. Tốt nhất khi trẻ sổ mũi và đau họng kéo dài, sốt cao… cần đưa đi khám để tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Lưu ý khi xử lý ngạt, sổ mũi ở trẻ:

- Tăng cường cho bé uống nhiều nước, bú mẹ.

- Với trẻ lớn khi trẻ bị sổ mũi hay mũi đặc, cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ tập hỉ mũi, hỗ trợ dùng nước muối sinh lý đúng lượng xịt để nước mũi loãng ra. Không nên dùng tay bịt hai bên để hỉ mũi vì sẽ làm tăng áp lực đột ngột vào mũi. Giấy để hỉ mũi nên dùng loại giấy mềm, sạch, chỉ dùng một lần.

- Sử dụng thuốc phải được bác sĩ chỉ định, không tự ý dùng thuốc và các biện pháp xử trí theo dân gian.

- Để trẻ không bị sổ mũi, viêm mũi nên giữ ấm cho trẻ khi ra ngoài trời lạnh, giữ vệ sinh cho trẻ vì hệ miễn dịch của trẻ còn rất yếu, nhất là trẻ dưới 6 tuổi.

Theo Sức khỏe cộng đồng