Thông báo
Đột quỵ vì sữa bẩn
14:32 | 13/02/2016 - Tổng hợp

Hiện nay, người tiêu dùng đã phát hiện ra nhiều loại sữa có hàm lượng dinh dưỡng thấp hơn rất nhiều so với số liệu được ghi trên nhãn mác. Những thông tin không trung thực của các hãng sữa khiến người tiêu dùng băn khoăn về chất lượng sữa mà họ dùng hàng ngày. Không chỉ vậy sữa bẩn còn là nguyên nhân gây ra đột quỵ và nhồi máu cơ tim.

Chính bởi lẽ đó mà người tiêu dùng bắt đầu đưa ra những tiêu chí khắt khe hơn trong việc chọn hãng sữa để sử dụng.

Ảnh Internet

Hoảng hồn với sữa bẩn làm từ nguyên liệu không rõ nguồn gốc

Rạng sáng 26/6, các trinh sát Đội CSĐTTP về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Công an huyện Bình Chánh, TP.HCM) phối hợp với Công an xã Vĩnh Lộc A đã tiến hành kiểm tra nhà không số (tại ấp 2A, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh) phát hiện một lượng lớn sữa bột không rõ nguồn gốc. Công an đã tiến hành khám xét, lập biên bản thu giữ toàn bộ tang vật vi phạm hành chính gồm: 22 bao đường hóa học, 8 bao bột sữa NDC (nguồn gốc Trung Quốc), 19 bao bột nguyên liệu cùng máy trộn sữa, máy ghép mí hộp, máy hàn bịt hộp và máy cắt. Sữa thành phẩm được gắn nhãn mác và đóng thùng đi tiêu thụ bên ngoài thị trường.

Quy trình chế biến sữa hộp “cao cấp” ông chủ Lê Tấn Phước lại khiến nhiều người giật mình với chỉ một công thức duy nhất cho các loại sữa. Nguyên liệu bột dùng để chế biến sữa hộp được Phước mua từ một công ty khác mà trên bao bì không ghi rõ nguồn gốc, máy móc được mua trôi nổi bên ngoài thị trường… Để sản xuất ra các loại sữa “cao cấp” trên, Phước cho Mato (đường lạt), Dextro (đường ngọt), bột sữa, bột béo từ Công ty P.Đ, sau đó bỏ 2-3 muỗng hương sữa vào máy trộn đều. Sau đó, Phước cho vào lon đóng thành phẩm, dán các nhãn hiệu sữa do tự mình đặt in.

Tuy Phước sản xuất nhiều loại sữa khác nhau, với nhiều đối tượng như người già, trẻ em, người gầy… nhưng vẫn sử dụng chung 1 công thức pha trộn giống nhau, thành phần cấu tạo từng loại sữa được công bố trên nhãn bao bì là do Phước nhái lại của các hãng sữa khác trên thị trường.  Để bán được số lượng hàng lớn, Phước lên các trang mạng quảng cáo các loại sữa “cao cấp” do công ty mình sản xuất. Sau đó, Phước đem tiêu thụ ở các thị trường TP.HCM, các tỉnh miền Tây và miền Trung.

Vào trung tuần tháng 7 Sở Y tế Hà Nội đang phối hợp cùng Sở công thương và giao cho chi cục an toàn thực phẩm tiến hành xử lý liên quan đến những thông tin về hình ảnh bẩn tại nơi sản xuất sữa Ba Vì. Những hình ảnh về công nghệ làm ra những sản phẩm sữa mà người tiêu dùng đang khá yêu thích khiến không ít người rùng mình. Sữa tươi được đựng trong các thùng nhựa xanh đặt ngay trên sàn bê tông dính đầy chất thải và nước bẩn. Phía ngoài vỏ thùng và nắp bám đầy những cáu bẩn đã mốc meo. Cảnh tượng này khiến người xem không khỏi ớn lạnh về chất lượng của sữa tươi khi được sản xuất, bảo quản một cách sơ sài và mất vệ sinh.

Vào đầu tháng 8, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Tiền Giang vừa công bố kết quả kiểm nghiệm sản phẩm dinh dưỡng cao cấp nguyên kem và US-Sure phát triển chiều cao của Công ty SXTM Thực phẩm Miền Đông (quận Tân Bình, TP.HCM), không đạt chất lượng. Gọi “hãng” sữa bởi họ cũng là doanh nghiệp do có giấy phép đầu tư với cơ quan chức năng. Nhưng thực chất quy mô của họ chỉ dừng lại ở kiểu “nhà ống” không hơn không kém. Công nghệ chế biến theo kiểu thiết bị trộn bê tông mini của ngành xây dựng. Nguyên liệu sữa mua trôi nổi đưa vào “lu” trộn với hương liệu, đường, phụ gia. Sau đó đóng hộp, đóng lon và được đặt nhãn hiệu toàn tiếng nước ngoài bán ra thị trường. Theo giới kinh doanh, chỉ riêng TP.HCM cũng có hàng chục cơ sở chế biến sữa theo kiểu chụp giựt. Họ không cần đầu tư bài bản mà chỉ thuê nhà dân, mua sắm sơ sài cái máy trộn mini khoảng vài triệu đồng, cái cân bàn, máy đóng lon (hoặc thuê nơi khác đóng lon). Nhãn hiệu được đặt nhái theo các hãng sữa nước ngoài. Kể cả công thức sữa họ cũng copy y chang hãng sữa nổi tiếng.

Đột quỵ, nhồi máu cơ tim vì sữa bẩn

Những loại sữa trên phần lớn được tiêu thụ ở các tỉnh, vùng sâu, vùng xa, người tiêu dùng còn thiếu thông tin. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn chất lượng sữa kém bị phát hiện họ sẽ chuyển sang nhãn hiệu mới để tiếp tục lừa người tiêu dùng. Thông thường một nhãn hiệu được họ sử dụng khoảng vài ba tháng, sau đó có nhãn hiệu mới ra đời để tiếp tục hành trình “sứ mệnh” chụp giật, chiết khấu cho người bán lên đến 40% hoặc mua 3 tặng 1, mua 2 tặng 1, chưa kể nhiều quyền lợi khác như tặng quà, du lịch./.

Những cơ sở sữa này còn xâm nhập vào hệ thống giáo dục, trường học nhất là trường mầm non. Với chiêu trò đưa ra mức chiết khấu lên cao chót vót mà không hãng sữa uy tín nào có được, lên đến 42% thậm chí 50%-55%. Nhiều trường học do thiếu thông tin, ham rẻ đã ký hợp đồng thu mua sữa vào cho học sinh sử dụng mà không hề biết nó chẳng có bổ béo gì, thậm chí các em học sinh ngày càng bị suy dinh dưỡng. Những loại sữa này không chỉ đưa vào các trường ở tỉnh mà còn tìm cách vào các trường ở TP.HCM, cũng với cách chiết khấu “khủng”. Ngoài mức chiết khấu cao, họ còn thưởng cho người ký hợp đồng theo doanh số, với quà tặng laptop, iPhone.

Giảng viên Trần Thị Thu Trà, bộ môn hóa thực phẩm, khoa hóa Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho biết, những loại sữa có hàm lượng đường và chất béo quá cao không tốt cho trẻ. Uống nhiều sữa ngọt sẽ sinh ra dư đường và sẽ tích lũy lại trong cơ, gan, chuyển hóa thành mỡ với nguy cơ béo phì và sinh ra bệnh tiểu đường type 2. Việc uống sữa ngọt (nhiều đường) làm thận còn non yếu của trẻ sẽ mệt.

Thêm vào đó, chất béo trans-fat có trong những loại sữa không nhãn mác này là một trong các nguyên nhân gây các bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch, giảm lưu lượng máu đi nuôi cơ thể, tắc nghẽn động mạch, tạo ra các cơn đau thắt ngực, đột quỵ, nhồi máu cơ tim.

Tình trạng này lại dấy lên nỗi lo biết đâu những loại sữa kém chất lượng này lại được trà trộn vào những hộp sữa có tem mác đàng hoàng và được bán với giá cao gấp 2-3 lần của nó. Người mua không phân biệt được sữa có những thành phần độc hại nên nhắm mắt mua liều đã đành, còn các cơ quan chức năng không thể không biết có những loại sữa "bẩn" bán công khai trên thị trường, đơn giản chỉ bởi họ chưa muốn quản lý mà cũng chẳng thích cấm bởi với họ, người tiêu dùng bắt buộc phải "thông minh"

Trong “ma trận” các nhãn hàng sữa như hiện nay, người tiêu dùng nên chọn những doanh nghiệp có uy tín, thương hiệu trên thị trường; có sản phẩm đa dạng, chất lượng, giá cả hợp lý, đạt tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn thế giới…

Nguồn: SKCD