Thông báo
Viêm họng cấp trong thời tiết giao mùa
17:17 | 27/01/2016 - Hô hấp

Viêm họng cấp là bệnh thường gặp vào mùa lạnh. Bệnh thường gặp ở tất cả mọi lứa tuổi và đặc

Dù mới bước vào đầu năm học, xong vài ngày trở lại đây, có khá nhiều em nhỏ phải nghỉ học vì bị bệnh. Vừa dỗ đứa con đang hờn dỗi vì sự khó chịu của căn bệnh viêm họng cấp, chị Thư (Đông Anh) chia sẻ: “Con bé vừa đi học được mấy hôm thì đã ốm, hôm qua ở nhà mẹ cháu cho cháu uống hạ sốt rồi mà không đỡ. Hôm nay cho đi khám thì bác sĩ bảo là bé bị viêm họng cấp”.

Viêm họng cấp là bệnh thường gặp khi thời tiết thay đổi thường xuyên, đột ngột. Đặc biệt, vào mùa lạnh, thời tiết ẩm, viêm họng cấp càng trở nên nguy hiểm vì nếu không được điều trị sớm, viêm họng cấp sẽ có nguy cơ biến chứng dẫn đến bệnh thấp tim và nhiều bệnh nguy hiểm khác.

Thời tiết lạnh, ẩm là nguyên nhân khiến liên cầu khuẩn phát triển, gây nên viêm họng, sau đó tiến triển thành viêm đường hô hấp trên.

Viêm họng cấp thường khởi phát đột ngột, ban đầu người bệnh ngứa mũi, hắt hơi, nặng đầu, mỏi tay chân. Sau đó mũi bắt đầu nghẹt chảy nước trong và loãng, kèm sốt cao 39-40 độ C, ớn lạnh, nhức đầu, nuốt đau, đau mỏi thân mình, ăn ngủ kém, rát họng, khàn tiếng, vướng và đau khi nói chuyện, ho.

Ngoài ra người bị bệnh còn có các triệu chứng: sụt sịt, tắc mũi và chảy nước mũi, có hạch cổ và sưng đau, tiếng nói khàn nhẹ và ho khan, đau lên tai và đau nhói khi nuốt. Thông thường có đau rát và ho khan. Vài ba ngày sau, nếu không được phát hiện và điều trị có thể khàn tiếng.

Khi mũi bị viêm sẽ sinh ra dịch chảy xuống họng khiến họng rất dễ bị viêm nhiễm dẫn viêm họng. Khi bị viêm mũi người bệnh sẽ không tự thở bằng mũi như thông thường mà sẽ phải thở bằng miệng, do đó lượng không khí đi từ ngoài vào cơ thể không được làm ấm và thanh lọc như bình thường sẽ đi thẳng xuống họng. Lúc này họng sẽ dễ dàng bị lạnh và tổn thương khiến cho các bệnh về đường hô hấp dễ xâm nhập.

Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, nghỉ ngơi thường ngày của người bệnh mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh và kéo dài các bệnh viêm mũi, viêm họng khiến bệnh trở thành mạn tính.

Bệnh viêm họng cấp có thể gặp ở bất cứ ai, tuy nhiên trẻ em vẫn là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Ở trẻ em viêm mũi họng cấp xuất hiện có thể riêng biệt, nhưng thường có kèm theo viêm VA (amidan ở vòm mũi họng), viêm amiđan, đôi khi có viêm phế quản.

Bác sĩ Thái Hữu Dũng, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM cho biết, viêm mũi họng cấp tính là bệnh khá phổ biến, xảy ra quanh năm, nhưng khi thời tiết chuyển mùa thì viêm mũi họng cấp dễ dàng xuất hiện. Viêm mũi họng cấp là tình trạng viêm niêm mạc mũi họng xảy ra một cách đột ngột gây nên bởi virus, vi khuẩn. Nguy hiểm hơn cả là liên cầu vi khuẩn nhóm A vì nó là thủ phạm gây nên biến chứng như viêm khớp cấp (thấp tim tiến triển), viêm vi cầu thận hoặc viêm họng cấp do nấm (Candida).

Có trên 80% các trường hợp trẻ em lúc đầu chỉ bị viêm mũi, họng do virut, sau vài ngày, do sức đề kháng của cơ thể trẻ yếu dần, đặc biệt là các cháu còi xương, suy dinh dưỡng hoặc đang mắc các bệnh đường hô hấp mạn tính (VA, hen phế quản) thì các loại vi khuẩn khác đang sống ký sinh ở họng, mũi trở nên gây bệnh (thường gọi là vi khuẩn gây bệnh cơ hội như vi khuẩn phế cầu, Hemophilus influenzae, liên cầu, tụ cầu).

Mùa nắng nóng, trẻ cũng dễ bị viêm họng cấp do dùng đồ uống quá lạnh như kem, nước đá, nếu cùng một lúc (hoặc ngay sau khi dùng đồ lạnh), trẻ chơi trước luồng gió xoáy vào của quạt, ở trong phòng máy lạnh hoặc quần áo ướt đẫm mồ hôi làm cho cho trẻ càng dễ cảm lạnh gây viêm họng cấp.

Ngoài các nguyên nhân trên thì việc thay đổi thời tiết, lạnh quá, ẩm quá, bụi bẩn, bụi công nghiệp, khói (thuốc lá, thuốc lào, khói bếp than, củi, rơm, rạ) và có thể do tác động của rượu cũng là các yếu tố nguy cơ gây bệnh viêm họng cấp.

Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị sớm, có thể biến chứng dẫn đến bệnh thấp tim, viêm tai, viêm xoang, viêm phế quản, hạch mủ, nhiễm trùng huyết…

Nguồn: SKCD