Thông báo
6 công dụng chữa bệnh từ cây rau má
12:13 | 02/03/2016 - Tổng hợp

Rau má là một loại dược thảo có tính bổ dưỡng rất cao. Dưới đây là một số bài thuốc dân gian từ rau má mà bạn có thể tham khảo và sử dụng.

Rau má là một loại thảo dược quý của y học cổ truyền. (Hình minh họa)

Theo Đông y, rau má có vị đắng, hơi ngọt, tính bình, có tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt, nhuận gan, giải độc, lợi tiểu. Rau má thường dùng để làm thuốc bổ dưỡng, sát trùng, chữa thổ huyết, tả lỵ, khí hư, bạch đới, mụn nhọt, rôm sẩy.

Bài 1: Trị mẩn ngứa, mề đay

Rau má tươi 50g, rửa sạch, giã dập, hãm với nước sôi 200 ml như hãm chè tươi, uống trong ngày.

Bài 2: Hạ huyết áp

Rễ nhàu 16g, rễ kiến cò 12g, lá tre l2g, rễ tranh 12g, rễ cỏ xước 12g, rau má 16g, lá dâu 12g. Sắc uống hoặc đóng viên làm trà uống thay nước hàng ngày.

Bài 3: Chữa sốt xuất huyết

Rau má 20g, Cỏ mực 16g, Rau sam 16g, Đậu đen 16g. Sắc uống.

Bài 4: Hạ sốt

Lấy 30g rau má tươi, rửa sạch, giã nát, thêm nước sôi để nguội, vắt lấy nước, rồi hoà 10g bột sắn dây, thêm đường uống.

Bài 5: Giải nhiệt

Rau má 200g, nhân trần 100g, lá đinh lăng 200g, cam thảo 100g. Các dược liệu đều ở dạng khô. Cách dùng: các vị thuốc sao giòn tán vụn trộn đều, bảo quản trong bình kín tránh ẩm. Ngày dùng 30 – 40g. Hãm với nước sôi, sau 10 phút có thể dùng được. 

Bài 6: Trị mụn

Rau má và lá gấc mỗi thứ 50g rửa thật sạch, giã nhỏ, cho ít muối vào trộn đều, đắp lên chỗ đau rồi băng lại, ngày thay thuốc 2 lần, đắp cho đến khi khỏi./.

Nguồn: SKCĐ